Hội thảo “Cải cách hướng tới phát triển bền vững và hội nhập kinh tế quốc tế: Trọng tâm và lộ trình đến năm 2025” vừa diễn ra với sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế.
Tại đây, các đại biểu đã thảo luận trọng tâm ưu tiên cải cách ở Việt Nam trong giai đoạn 2021-2025; trong đó, nhấn mạnh tới duy trì cải cách trong quá trình phục hồi và yêu cầu đặt ra là cải cách song song, thay vì cải cách sau khi đã phục hồi kinh tế.
"Bài toán" đặt ra cho cải cách giai đoạn 2021-2025
Trình bày báo cáo dẫn đề tại Hội thảo, ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Nghiên cứu tổng hợp - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, đã đưa ra 5 vấn đề lớn Việt Nam cần lưu ý để đẩy mạnh quá trình phục hồi và cải cách nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững trong giai đoạn 2021-2025.
Thứ nhất, trong bối cảnh tăng trưởng chậm, nhiều ý kiến, thảo luận chính sách tập trung hơn vào yêu cầu sử dụng các công cụ chính sách vĩ mô (tài khóa, tiền tệ) để hỗ trợ nền kinh tế.
“Tuy nhiên, tương tác giữa các công cụ chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách thể chế kinh tế được đề cập rất ít, hoặc còn mờ nhạt. Một số cách nói nhấn mạnh trong thời gian gần đây hướng tới đề xuất gói kích thích tài khóa để hỗ trợ nền kinh tế liệu có gây ấn tượng, hoặc làm giảm sự quan tâm đối với cải cách thế chế kinh tế?”, ông Dương đặt câu hỏi.
Thứ hai, nguồn lực cho phục hồi và phát triển kinh tế là một nội dung quan trọng. Một câu hỏi quen thuộc đặt ra là: nguồn lực trong dân còn nhiều, cơ chế nào để tạo động lực cho người dân bỏ vốn vào hoạt động sản xuất, kinh doanh? Vai trò của đầu tư công vẫn rất quan trọng, song làm thế nào để phát huy hiệu quả mà không gây ra tác động “chèn lấn” quá mức đối với đầu tư từ các nguồn khác?
Thứ ba, làm thế nào để mở ra không gian cho các hoạt động kinh tế mới một cách bền vững như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…? Làm thế nào để quyết tâm xây dựng chính sách đi kèm với nhận thức và quyết tâm thực hiện ở các Bộ, ngành, địa phương?
Theo ông Dương, các hoạt động kinh tế mới cũng đặt ra không ít vấn đề chưa có tiền lệ, vậy thì phân vai giữa các bộ ngành sẽ được tổ chức như thế nào, khi tiếp cận một vấn đề mới ai sẽ chủ động, đi tiên phong hay là nên có sự phân vai rõ ràng ngay từ đầu?
Thứ tư, cho đến năm 2015, vai trò của hội nhập kinh tế quốc tế trong việc thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế trong nước là khá rõ. Tuy nhiên, trong giai đoạn 2016-2019, tương tác giữa hội nhập kinh tế quốc tế và cải cách thể chế kinh tế trong nước vẫn khá chặt chẽ, nhưng vai trò “thúc đẩy cải cách” của hội nhập kinh tế quốc tế có phần suy giảm.
Vậy, trong giai đoạn 2021-2025, làm thế nào để tạo động lực cho cải cách thể chế hướng tới thông lệ quốc tế tốt, trong bối cảnh hội nhập, phục hồi và phát triển bền vững là những yêu cầu lớn?
Cuối cùng, làm thế nào để nhấn mạnh được tư duy về độc lập, tự chủ của nền kinh tế trong đó việc nâng cao năng lực nội tại của Việt Nam nói chung và khu vực kinh tế tư nhân là rất cần thiết, song cần đảm bảo minh bach, trách gây méo mó về phân bổ nguồn lực.
Không để chính sách hỗ trợ chỉ nằm trên giấy
Phát biểu tại Hội nghị, PGS. TS Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng kể từ đầu năm 2021, bối cảnh kinh tế thế giới liên tục có những diễn biến nhanh, phức tạp và khó lường do dịch Covid-19. Theo đó, việc cải cách thể chế kinh tế, đặc biệt là về chính sách cạnh tranh, môi trường kinh doanh là tất yếu để phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.
“Lâu nay chúng ta vẫn nói nhiều đến gói hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Tôi đồng tình với những giải pháp này của Chính phủ. Tuy nhiên, phải cần chú ý đến việc thực thi bởi thực tế gói hỗ trợ kinh tế thì có, nhưng đến nay việc thực hiện vẫn chưa đâu vào đâu”, TS Lê Xuân Bá cho biết.
Lấy ví dụ thực tiễn, TS. Lê Xuân Bá chia sẻ: “Cụ thể, gói hỗ trợ lớn nhất hiện nay là gói 62.000 tỷ thì cũng mới triển khai được 36% hay như gói hỗ trợ doanh nghiệp vay trả lương cho người lao động mới chỉ triển khai được 0,26%, coi như không giải quyết vấn đề gì’.
“Tại sao lại như vậy? Trong khi doanh nghiệp khó, dân đói, tiền thì có mà không giải quyết được. Do bộ máy không đủ năng lực, do điều kiện phức tạp, hay do lý do gì? Chúng ta cần tìm hiểu xem vướng chỗ nào, ở khâu nào thì phải xử lý gỡ ngay ở khâu đó. Hãy giải quyết tốt mấy gói hỗ trợ đưa ra trước khi bàn đến việc khác”, ông Bá nhấn mạnh.
Cần tránh cải cách theo kiểu “dàn hàng ngang”
Theo chuyên gia tài chính Cấn Văn Lực, đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong thời gian qua và có thể kéo dài trong một vài năm tới. Hiện nay, Việt Nam vừa phải đảm bảo 3 mục tiêu là phòng chống dịch bệnh, phục hồi phát triển kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Do đó ông Lực cho rằng, cần nhanh chóng khắc phục hậu quả do Covid-19 và đây là yếu tố đầu tiên khi khôi phục và phát triển kinh tế.
Đồng thời ông Lực cũng chỉ ra một số vấn đề cấp thiết cần quan tâm trong thời gian tới.
Thứ nhất, ông nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xác định thực thi trọng tâm cải cách. “Lâu nay chúng ta vẫn hô hào cải cách thể chế. Nhưng trọng tâm ở đâu, cải cách thế nào vẫn chưa cụ thể”, ông Lực nói.
Vấn đề thứ hai cần quan tâm là phải nhìn nhận rõ một số cục diện về địa chính trị, hội nhập kinh tế thay đổi, xu hướng về mô hình tăng trưởng cũng thay đổi, theo đó cần có những quyết sách, cơ cấu, phân bổ, sử dụng nguồn lực một cách linh hoạt, hợp lý.
Vấn đề thứ ba, TS. Cấn Văn Lực cho rằng dịch bệnh bộc lộ điểm yếu, mạnh của thể chế, điều hành kinh tế toàn cầu và mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, đặc biệt là năng lực dưới địa phương.
“Có vẻ như hiện nay ta đang rơi vào điểm họa vô đơn chí, nhiều cái xấu ập đến một lúc, như dịch bệnh, thiên tai, khủng hoảng năng lượng, rủi ro bong bóng nợ… Dịch khiến trọng tâm thời gian qua chậm lại, đầu tư công, cổ phần hóa chậm. Ngoài ra, có vẻ như chúng ta lỡ nhịp với thế giới. Sức ép hội nhập ngày càng cận kề hơn”, ông Lực nhấn mạnh.
Để đẩy mạnh quá trình phục hồi và cải cách nền kinh tế, hướng tới phát triển bền vững trong giai đoạn 2021-2025, TS. Cấn Văn Lực đề xuất, cần đẩy mạnh chuyển đổi số; tập trung mạng lưới an sinh xã hội; tính lành mạnh và sức chống chịu của hệ thống tài chính; quản trị quốc gia và có năng lực dự phòng và dự báo.
Bên cạnh đó, ông Cấn Văn Lực cũng cho biết: “Những nước có khả năng điều chỉnh mô hình chống dịch phù hợp, có khả năng lập kế hoạch, phối hợp chính sách giữa y tế với kinh tế, ban hành cơ chế chính sách nhanh, nhất quán thì vượt qua đại dịch hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, hiện nay chất lượng văn bản pháp luật chưa cao, tính nhất quán còn thấp, sức sống và sức bền của chính sách cũng là điểm yếu, việc hướng dẫn chậm, trong khi việc thực thi chưa hiệu quả. Đây là điểm nghẽn nhà đầu tư nước ngoài cảm nhận.”