Hoạt động tín dụng nội bộ trong hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã hình thành và phát triển nhanh trong những năm qua. Một phần xuất phát từ hiệu quả thiết thực mà dịch vụ này mang lại cho các thành viên và HTX, phần khác là do ngân hàng và các tổ chức tín dụng không đáp ứng kịp thời và đủ nhu cầu vốn cho hộ nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Hiện cả nước có gần 1.200 HTX nông nghiệp thực hiện tín dụng nội bộ (chiếm khoảng 10% số HTX nông nghiệp).
Lượng vốn mà các HTX huy động biến động rất lớn, từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Việc cho vay được thực hiện với những thủ tục đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo được việc thu hồi vốn. Dịch vụ này giúp cho những thành viên có tiền nhàn rỗi có thể cho những người thiếu vốn vay thông qua HTX, nghĩa là 2 bên đều có lợi và có sự đảm bảo an toàn đối với số vốn cho vay.
Hiện nay, ở nhiều địa phương, nhiều HTX nông nghiệp đang thực hiện khá tốt hoạt động tín dụng nội bộ. Chẳng hạn, tại Lâm Đồng có 11 HTX đã giải quyết cho 574 hộ thành viên vay tổng số tiền gần 15 tỷ đồng, trung bình mỗi hộ thành viên được vay từ 3-100 triệu đồng để phát triển sản xuất. Hoạt động này giúp cho các hộ thành viên có vốn để đầu tư thâm canh, sản xuất, kinh doanh…, mà không phải bán sản phẩm trước của mình để lấy vốn đầu tư và hạn chế nạn cho vay lãi cao.
Tuy nhiên, một vấn đề đang được đặt ra với hoạt động tín dụng của các HTX nông nghiệp hiện nay là thiếu khung pháp lý. Các HTX đang dựa vào Luật HTX 2012 (cho phép HTX cung cấp tín dụng cho thành viên) và Thông tư 15/VBHN-NHNN ban hành tháng 5/2014.
Nhưng theo đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các quy định này đã không còn hiệu lực từ khi có các văn bản pháp luật mới được ban hành. Chính vì sự không thống nhất giữa các luật, nhất là Luật HTX với các luật khác khiến cho việc quy định nghĩa vụ thuế, phí đối với hoạt động tín dụng nội bộ gặp khó khăn. Vì thế, có ý kiến cho rằng, làm sao quản lý chặt chẽ hoạt động tín dụng nội bộ của HTX để phòng tránh sự biến tướng trở thành tín dụng “đen”?
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam khẳng định: “Ở các nước khác cũng có tín dụng nội bộ trong HTX, như Hà Lan, Đức, Hàn Quốc,... Vì trong quá trình quay vòng vốn, HTX có dư ra một lượng tiền nhất định. Trong khi đó, các thành viên có nhu cầu sử dụng cho đời sống và sản xuất. Mà số vốn này là sở hữu chung nên bất kỳ thành viên nào cũng có quyền yêu cầu cho họ vay lại. Đây là nhu cầu khách quan từ thực tế mà công tác xây dựng pháp lý phải xem xét”.
“Tuy nhiên, với vai trò quản lý cao nhất đối với mô hình kinh tế hợp tác xã, chúng tôi nhất định không để tín dụng nội bộ trở thành tín dụng thương mại, tín dụng đen. Mục tiêu của tín dụng nội bộ là sử dụng tiền vốn tạm thời nhàn rỗi để hỗ trợ đời sống và sản xuất của các thành viên chứ không mang tính thương mại hay kinh doanh tiền tệ. Vì thế, trong thời gian gần đây, một số nơi có sai phạm trong hoạt động tín dụng nội bộ nên chúng tôi đã phối hợp cùng ngân hàng Nhà nước để nghiên cứu và có những quy định phù hợp hơn”, ông Bảo nói.
Đại diện Liên minh HTX Việt Nam cũng cho biết, hiện cả nước có 22.456 hợp tác xã, với 13.712 hợp tác xã nông nghiệp, trong đó 50% hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 0,04% hợp tác xã tiếp cận được với tín dụng ngân hàng.
Tại TP.HCM, diễn đàn Pháp lý Liên minh Hợp tác xã Quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương sẽ được diễn ra từ ngày 17 đến 18/4 tại khách sạn The Reverie Sài Gòn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã sẽ chỉ đạo và chủ trì Diễn đàn.
Năm này, Diễn đàn có chủ đề "Tạo lập khuôn khổ pháp lý và chính sách thuận lợi để thúc đẩy phát triển bền vững khu vực hợp tác xã trong thế kỷ 21", do Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (VCA) phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Quốc tế khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (ICA-AP), viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ phối hợp tổ chức.