Chẳng cứ gì thành phố, ở quê giờ cũng có kiểu bày đặt cỗ bàn để “moi tiền” khách. Ông bạn tôi – gọi là ông bạn cho oai vì cũng có chơi bời, dính líu tí quan hệ. Ngày cưới con, gia đình ông ta cũng làm cả trăm mâm cỗ, mời hết làng trên, xóm dưới, cả những người chẳng mấy thân thích như tôi cũng được mời đến dự.
Không phải mình tiếc rẻ gì đồng tiền nhưng không thân thích, chẳng biết nhiều về họ mà lại đi đám cưới thì dễ bị đồn đoán là tham ăn, tục uống. Vợ chồng suy nghĩ nát óc rồi quyết định là không đi, mà không đi nghĩa là không mừng tiền nữa. Thâm tâm nghĩ rằng ông bạn kia rồi cũng hiểu lí do, cơ sự và không trách móc gì. Chẳng ai ngờ đâu, sau đám cưới vài hôm, ông ta đến nhà tôi đổ xăng không trả tiền (nhà tôi kinh doanh xăng dầu). Hơn thế nữa, ông Q còn trình bày lí do và thu tiền mừng đám cưới khi khách vắng mặt.
Ảnh minh họa.
Trần đời có một cái sự lạ mà từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến giờ, đi năm châu bốn bể tôi cũng chưa bao giờ thấy. Mặt ông Q “tỉnh bơ” nói rằng: Hôm trước cưới cháu nhà em bác không đi, hôm nay em đến xin bác tiền mừng cho cháu. Thôi thì bác cho em xin 3 triệu. Nghe xong, cả tôi và vợ tôi đều té ngửa. Còn ông Q thì thản nhiên như là chuyện "bình thường ở huyện".
3 triệu? Ông ta nói 3 triệu mà cứ như 3 trăm nghìn. Ở quê, đi đám cưới bạn bè cũng chỉ 2 -3 trăm nghìn, căng lắm đến 5 trăm nghìn. Với người trong gia đình, anh em thân thích mới mừng đến 1 – 2 triệu gọi là đóng góp tí tiền cửa giúp anh – chị - em chuẩn bị cỗ bàn. Đằng này, chẳng đi mà vẫn bị đòi 3 triệu.
Biết cái lí của ông Q chẳng liên quan đến ai, nhưng vì mối hảo hòa giữa hai bên, tôi "ngậm bồ hòn làm ngọt", chỉ dám nhẹ nhàng nói: “Dạo này làm ăn khó khăn, hôm trước anh bận không đi đám cưới cháu được nên hôm nay cho cháu 1 triệu gọi là quà mừng”. Ông Q ban đầu còn “lăn tăn” ít phút, nhưng sau đó cầm và đút ngay tiền vào túi rồi phi xe máy đi mất.
Ấm ức, tôi đem chuyện này đi kể với mấy ông bạn thân mới biết, hóa ra chẳng riêng gì mình mà mấy người họ cũng chịu chung cảnh như tôi, đều không đi ăn cỗ mà vẫn bị “đòi” tiền mừng. Ngại cho bản thân, không ai dám kể chuyện này với ai, giờ thì như cởi tấm lòng. Ông nào cũng “chậc” lưỡi, biết thế cứ đi ăn chén túc bục rồi mừng đôi ba trăm có phải là đỡ hụt không. Đằng này dốt quá, không đi ăn lại còn mất tiền.
Trần Lâm