Ngày 10/7 đã có danh sách 30 trường THPT công lập ở Hà Nội công bố hạ điểm chuẩn, tuyển sinh bổ sung vào lớp 10. Điểm hạ nghĩa là sẽ có thêm cơ hội nhập học cho nhiều học sinh. Tuy nhiên vẫn còn không ít thí sinh không “giành được vé” vào lớp 10 công lập.
Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, trường hợp học sinh không đủ điểm vào lớp 10 công lập, học sinh tốt nghiệp THCS có thể dự tuyển vào trường tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên...
Tuy nhiên, để có suất học tại các trường công lập tự chủ tài chính, ngoài công lập chất lượng tốt cũng không hề dễ dàng.
Theo báo Công an nhân dân, tại trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa), dù lịch nộp hồ sơ là trong ngày 5/7 nhưng từ 12h đêm 4/7, cổng trường đã đông kín cả trăm phụ huynh xếp hàng chờ mong giành được một suất nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con. Nhiều người trong số họ đã có mặt ở đây từ lúc 19h tối 4/7, mang theo ghế nhựa và nước uống, xuyên đêm xếp hàng lấy số thứ tự chờ đến giờ nộp hồ sơ. Các phụ huynh tự phát ghi danh sách theo thứ tự người đến trước để sáng hôm sau làm "bằng chứng xếp hàng" gửi trường.
Cảnh phụ huynh xếp hàng xuyên đêm hoặc tập trung đông tại khu vực cổng trường để nộp hồ sơ cho con cũng xảy ra với Trường THPT Tạ Quang Bửu (quận Hai Bà Trưng); THPT Phan Huy Chú (quận Đống Đa).
Trao đổi với VOV xung quanh vấn đề này, thầy Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) cho rằng, thực tế có nhiều thí sinh đã xác định tâm lý có thể trượt THPT công lập từ trước khi thi, song các em vẫn đăng ký các nguyện vọng mong muốn với hy vọng được thử sức. Với những trường hợp này, phụ huynh cũng đã xác định trước phương án học tập cho con nên khá chủ động. Song cũng có không ít trường hợp cha mẹ bị động khi con thi trượt lớp 10 công lập. Với số lượng trường lớp cả công lập và ngoài công lập như hiện nay, chắc chắn mọi học sinh Hà Nội đều có cơ hội học tập.
Theo thầy Nguyễn Cao Cường, với những học sinh có năng lực học tập tốt, cha mẹ nên tiếp tục định hướng cho con theo học các trường THPT ngoài công lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên để hoàn thành bậc THPT. Việc chọn trường cần cân nhắc các đến các yếu tố phù hợp về môi trường, năng lực học tập, khả năng đáp ứng của các trường THPT, điều kiện tài chính gia đình và định hướng của gia đình với các con trong tương lai.
Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp cha mẹ cần nhìn thẳng vào năng lực của các con, có thể lựa chọn các trường cao đẳng nghề đào tạo theo mô hình nghề 9 cộng. “Hiện nay có rất nhiều nghề có cơ hội việc làm tốt như điện tử, điện lạnh, thiết kế đồ họa, tin học, nấu ăn… Nhiều trường hợp học sinh được định hướng học nghề sớm từ lớp 10 đã rất thành công. Cha mẹ cần ngưng việc phân tích nguyên nhân vì sao con trượt, bình tĩnh đồng hành cùng các con vì phía trước vẫn còn rất nhiều cơ hội”.
Nói về sức nóng của đợt đăng ký vào các trường ngoài công lập, thầy Nguyễn Cao Cường cũng cho rằng, những năm gần đây, một số trường ngoài công lập có kế hoạch giáo dục tốt, tạo dựng được thương hiệu và uy tín với các bậc phụ huynh. Do đó số lượng hồ sơ nộp vào rất đông. Trong khi đó, trường ngoài công lập rất khó xác định được số lượng thí sinh sẽ đăng ký xét tuyển, việc đưa ra mức điểm sàn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm các năm và phổ điểm thi.Tuy nhiên khi số lượng học sinh nộp hồ sơ tăng vọt, nếu các trường không có cách tổ chức hợp lý sẽ rất dễ dẫn đến tình trạng đã xảy ra trong những ngày qua, phụ huynh phải thức thâu đêm đợi nộp hồ sơ cho con.
“Nếu ngày càng có nhiều ngôi trường đáp ứng kỳ vọng của cha mẹ học sinh thì sức nóng của công tác tuyển sinh lớp 10 sẽ giảm hơn. Phụ huynh cũng hy vọng có thêm nhiều trường học, song trong bối cảnh khó khăn về quỹ đất, kế hoạch, việc có thêm trường học cần có lộ trình cụ thể. Hiện nay khoảng cách giữa trường công và trường thư đã được thu hẹp rất lớn. Nhiều trường ngoài công lập thu hút được sự quan tâm của đông đảo phụ huynh, song các trường cũng cần tính toán mức học phí để chia sẻ với phụ huynh, tạo thêm cơ hội học tập cho học sinh”, thầy Nguyễn Cao Cường nhấn mạnh.
Thầy Nguyễn Văn Xuân, Hiệu trưởng Trường THCS Hạ Bằng (Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, với khu vực ngoại thành, việc trượt nguyện vọng 1 vào lớp 10 không quá áp lực với phụ huynh và học sinh.
“Nhiều phụ huynh xác định chỉ cần con trúng tuyển vào trường công lập là được. Dù các trường các con đăng ký nguyện vọng 2 điểm chuẩn có thể chỉ 17, 18 điểm, thấp hơn những trường đăng ký nguyện vọng 1 đến gần chục điểm nhưng phụ huynh vẫn sẵn sàng cho con theo học thay vì học ngoài công lập. Còn tại khu vực nội thành, điều kiện kinh tế tốt hơn, nhiều phụ huynh dù có con đủ điểm vào các trường công lập top giữa, tóp dưới nhưng vẫn sẵn sàng cho con học ngoài công lập để chọn môi trường tốt hơn. Nhiều trường ngoài công lập có tiếng bởi vậy cũng nóng không kém trường công.
Bên cạnh đó, ở các khu vực ngoại thành, nhiều gia đình sẵn sàng cho con theo học tại các trường nghề khi tốt nghiệp THCS. Điều này cũng giúp giảm áp lực của kỳ thi chuyển cấp. Trong khi đó, ở khu vực nội thành, không ít phụ huynh vẫn có tâm lý e ngại khi nói đến việc cho con học nghề. Hiện nay theo chương trình học nghề 9 cộng, các em vẫn được học song song cả chương trình phổ thông và học nghề, khi tốt nghiệp có cả 2 bằng nghề và bằng tốt nghiệp THPT, đương nhiên vẫn có cơ hội học lên cao đẳng, đại học”, thầy Nguyễn Văn Xuân phân tích.
Thầy Xuân cho rằng, việc học ở đâu không quan trọng bằng học như thế nào, do đó phụ huynh không nên quá áp lực chạy đua vào những trường điểm, lớp chọn.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Diệu Linh (giáo viên Trường liên cấp Tuệ Đức, Hà Nội), chia sẻ: “Tôi đã từng dạy học ở cả trường công, trường tư. Tôi thấy rằng, việc thành công hay thất bại, giỏi hay yếu kém đều là do ý chí phấn đấu của học sinh. Chính vì vậy, bất cứ môi trường nào, chỉ cần các em không bỏ cuộc, vẫn tiếp tục nỗ lực, thì thành công sẽ sớm đến”.
Bàn về vấn đề này, ông Phan Tuấn Anh, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận Tây Hồ (Hà Nội) cho rằng: "Phụ huynh nên nhìn vào các lợi ích mà các Trung tâm Giáo dục thường xuyên mang lại cho học sinh như: Thời gian học rút ngắn, vừa được học nghề, vừa được học văn hóa để tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT, có thể liên thông lên các bậc học cao hơn.
Đặc biệt, học sinh còn được Nhà nước trợ cấp hoàn toàn học phí học nghề theo Nghị định 81 của Chính phủ. Về học phí các môn văn hóa, học sinh chỉ phải đóng mức gần như tương đương với các trường công lập", ông Tuấn Anh phân tích.
Liên quan đến những băn khoăn, lo lắng của phụ huynh về chất lượng dạy học tại các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, ông Tuấn Anh khẳng định, mặc dù điểm đầu vào của học sinh theo học ở các trung tâm này thấp hơn so với các trường công lập, nhưng số học sinh đậu tốt nghiệp THPT những năm gần đây luôn chiếm tỉ lệ cao.
"Riêng tại Trung tâm Giáo dục Thường xuyên quận Tây Hồ, tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT lên đến 96 - 97%. Trong đó, có khoảng 20% học sinh có đủ điều kiện học lên đại học. Như vậy có thể thấy, trường công lập không phải là lựa chọn duy nhất. Phụ huynh nên cân nhắc để lựa chọn con đường phù hợp nhất với con em mình", ông Tuấn Anh nói.
Theo báo Pháp luật Việt Nam, tại phiên chất vấn của HĐND Tp.Hà Nội chiều 5/7, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, tại TP Hà Nội không thiếu chỗ học. Sở luôn nỗ lực cố gắng về xây dựng mạng lưới trường học; đã và đang cùng các quận, huyện, thị xã báo cáo UBND thành phố thu hồi các dự án chậm triển khai để xây trường học, nhất là trong khu vực nội đô.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết thêm, năm 2016, thành phố chấp thuận phương án sáp nhập 30 trung tâm GDTX, 16 trung tâm giáo dục kỹ thuật tổng hợp và trung tâm dạy nghề thành 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, thường xuyên. Hiện nay theo phân cấp, các đơn vị này được giao về cho các quận, huyện quản lý; các trung tâm hiện nay chịu trách nhiệm đào tạo, phân luồng học sinh.
“Đến thời điểm này, Hà Nội có 2.845 trường học tại 30 quận/huyện và tăng dần theo từng năm. Tuy nhiên, mỗi năm cần tăng từ 30 - 35 trường học mới đủ chỗ cho học sinh. Đến nay, thành phố đang quyết liệt chỉ đạo xây dựng thêm các trường học bảo đảm điều kiện học tập cho học sinh trên địa bàn” , Giám đốc Sở GD&ĐT Tp.Hà Nội cho biết.
M.H (t/h)