Theo những hình ảnh và video được đăng tải trên báo chí, giữa dòng xe cộ đông đúc, một số người được cho là cán bộ thuộc Công an huyện Đông Anh đã đuổi theo một phóng viên trẻ và tung cước “đấm, đá”, trước sự chứng kiến của đông đảo người dân và các đồng nghiệp.
Nguyên nhân vì sao PV Quang Thế bị hành hung, cơ quan chức năng vẫn đang làm rõ. Thế nhưng, qua video và hình ảnh ghi lại có thể thấy rất rõ rằng, đó là hành động côn đồ, khó chấp nhận được giữa một xã hội hiện đại, trên cây cầu đẹp nhất Thủ đô.
Điều đau lòng hơn, hành động ấy lại đến từ những người được cho là cán bộ đang công tác trong ngành công an Thủ đô (bằng chứng là việc lãnh đạo công an huyện Đông Anh đã đến Văn phòng báo Tuổi trẻ TP.HCM để xin lỗi).
Không riêng những nhà báo, phóng viên, những người công tác trong ngành báo chí mà rất nhiều người dân khi xem video, hình ảnh anh Trần Quang Thế bị hành hung đều phẫn nộ, bức xúc.
Họ bất chấp chốn đông người, bất chấp những ánh mắt xung quanh, bất chấp dòng xe chạy vèo vèo trên đường, cố đuổi để đấm, để đá chàng trai trẻ…!
Đã có biết bao vụ việc phóng viên, nhà báo bị hành hung khi đang tác nghiệp và ở Thủ đô cũng đã có (vụ Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng bị hành hung). Ấy nhưng, khi người ra tay lại là cán bộ công an thì thật “không thể im lặng”.
Một người dân đã phải thốt lên rằng: “Khi xem hình ảnh này, chỉ mong đó là côn đồ hay đại loại thế”. Bởi, người ta không dám tin đó là hành động của người chiến sĩ công an “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.
Nhiều người đã phải khóc khi đọc dòng tâm sự của một phóng viên đồng nghiệp nói về việc anh Quang Thế bị đánh. Trong đó có đoạn viết thế này: “PV (phóng viên) tác nghiệp ở đó thì có gì sai? Họ đứng xa cả vài chục mét so với hiện trường. Những PV đến đấy, họ chỉ mong chụp được tấm ảnh, ghi nhận được thông tin có sự việc ấy xảy ra…”.
“Các đồng chí có biết, một cái tin như vậy, PV nhận được gì? Chỉ được vài chục, cùng lắm 100 nghìn tiền nhuận bút... Họ chạy nhong nhong xe máy cả chục cây số làm sao nhanh nhất để đến và có thông tin. Họ phải lê lết ở rìa đường, góc cầu, vỉa hè để xử lý thông tin và chuyển về một cách nhanh nhất. Báo chí rất thân thiện, nhưng hà cớ gì các đồng chí tung chưởng với PV?”.
Vâng! Những dòng chia sẻ ngắn ngủi ấy đủ nói lên rất nhiều điều về nỗi vất vả, thậm chí cả hiểm nguy trong công việc của những người làm báo.
Hồi đầu tháng 9 và trước đó là trung tuần tháng 8, UBND TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đã có những công văn chỉ đạo về việc chấn chỉnh phát ngôn cũng như ứng xử của cán bộ viên chức với báo chí.
Trong những công văn đó, lãnh đạo TP yêu cầu từng cán bộ, công chức, viên chức… trong việc giao tiếp với nhân dân, cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức có liên quan, tuân thủ đúng quy tắc ứng xử văn minh, thanh lịch của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô… và yêu cầu có biện pháp xử lý nghiêm đối với trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Lời ăn tiếng nói là vậy, chẳng lẽ hành động có thể “thả nổi” hay sao? Hay, những chỉ đạo kia của lãnh đạo TP và Bí thư Thành ủy chưa đến tai anh cán bộ Công an huyện Đông Anh?
Nói đi cũng phải nói lại, hành động hành hung anh Trần Quang Thế hôm 23/9, không nói lên tất cả. Đó chỉ là số ít, là con sâu làm rầu nồi canh...
Xã hội bao la này vẫn còn đó vô vàn hình ảnh những chiến sĩ CSGT, những chiến sĩ Công an Hà Nội “quên mình” cứu người giữa bão lũ làm bao người dân phải cảm phục. Và vì thế, báo chí cùng người dân vẫn sẽ đứng về phía những chiến sĩ công an chân chính phải không các bạn?
Chúng ta cũng tin tưởng những người làm sai sẽ bị xử lý nghiêm minh!
N. Nguyễn
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả)