Theo kết quả khảo sát của Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) tại Việt Nam (tập trung vào 5 địa phương có nhiều du khách nước ngoài là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hội An, Hạ Long, Huế), du khách ngày càng quan tâm đến nhiều vấn đề như xả rác nơi công cộng, ô nhiễm sông hồ và tiếng ồn.
Du lịch Hà Nội cần nhiều giải pháp để "tự cứu mình"
Trong thực tế, hiện nay Hà Nội ngổn ngang như một đại công trường, bụi khói, ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn đang là những vấn đề bức xúc... Những hạn chế trên đã trực tiếp làm giảm một lượng lớn khách tại Hà Nội, đồng thời làm xấu đi hình ảnh của thủ đô ngàn năm văn hiến.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Văn Tuấn, tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng: "Hà Nội cần sự đột phá, trước hết có quyết tâm phát triển du lịch, thể hiện ở ý chí của các cấp lãnh đạo Hà Nội, từ đó có chính sách thu hút phát triển, nguồn nhân lực... Sản phẩm du lịch Hà Nội phải mang đặc trưng riêng, phù hợp với 3 đối tượng khách: Khách nước ngoài đến Hà Nội, khách nước ngoài sinh sống tại Hà Nội và khách nội địa. Mỗi một sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách".
Ông Tuấn phân tích: "Chúng ta có di tích Hoàng Thành, nhưng phải biến nó thành sản phẩm du lịch thu hút du khách. Từ tài nguyên, chúng ta phải đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức dịch vụ và chào bán sản phẩm. Với tiềm năng như hiện nay, Hà Nội cần đưa ra mục tiêu đón 2 triệu lượt khách du lịch quốc tế ngay trong năm 2012, chứ không phải chờ đến năm 2015".
Tại buổi làm việc với ngành du lịch mới đây, ông Nguyễn Thế Thảo, chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội thẳng thắn: Để phát huy có hiệu quả tiềm năng, trong chiến lược phát triển du lịch, ngành du lịch Hà Nội cần có cơ chế chính sách hợp lý, đặc biệt cần xác định những khâu đột phá để Hà Nội trở thành trung tâm du lịch lớn của quốc gia.
Trong quy hoạch tổng thể, phải có quy hoạch chi tiết cụ thể từng địa danh. Trên cơ sở quy hoạch, phải xây dựng cơ chế chính sách, thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách đến và ở lại Hà Nội lâu hơn.
Anh Văn