>> Đọc thêm: Muốn ly thân, thì sao?
Hầu hết các ý kiến đồng tình đối với đề xuất buộc nam nữ trước khi kết hôn phải khám sức khỏe cả vợ lẫn chồng nhằm tránh những bệnh có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc về sau. Tuy nhiên cũng không ít ý kiến băn khoăn về việc nếu quy định này được cụ thể hóa thành luật thì việc áp dụng vào thực tế sẽ ra sao?
Chị Thanh, làm ở phòng bán vé may bay (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: Tôi nghĩ rằng đây là một đề xuất tiến bộ, thiết thực. Bởi lẽ việc khám sức khỏe trước khi đi đến hôn nhân sẽ phòng ngừa được nhiều vấn đề cho vợ chồng về sau, trong đó không chỉ là bệnh tật mà còn đảm bảo những điều kiện khác như khả năng sinh con, điều kiện sức khỏe… Nhiều cặp vợ chồng khi đến với nhau vì chủ quan không khám sức khỏe nên hậu quả đáng tiếc xảy ra thì hối hận, hạnh phúc gia đình tan vỡ.
Cũng đồng tình với đề xuất này nhưng chị Hà (quận Đống Đa) lại cho rằng: Việc khám sức khỏe trước khi kết hôn không phải bây giờ mới nhắc đến, nhiều người cũng thấy rõ ý nghĩa quan trọng của việc này. Nhưng không phải ai cũng mạnh dạn dẫn vợ hoặc chồng tương lai của mình đi khám. Bởi lẽ nhiều người e ngại rằng, nếu đưa nhau đi khám là không tin tưởng nhau, thậm chí có người có tâm lý sợ, nếu khám mà phát hiện ra bệnh tật thì không đến được với nhau.
Ảnh minh họa
Anh Đức Thuận (Kỹ sư ngành điện, Lạng Sơn) thì bày tỏ băn khoăn: Khi đề xuất này được cụ thể hóa thành một quy định về hồ sơ, điều kiện để đăng ký kết hôn sẽ có thêm một loại giấy tờ giống như giấy chứng nhận sức khỏe, giấy khám sức khỏe. Và rất có thể nhiều người vì muốn đủ điều kiện đăng ký kết hôn sẽ bằng mọi cách để “chạy” một cái giấy. Tôi e ngại việc thêm điều kiện này sẽ làm phức tạp hóa thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký kết hôn, trong khi Nhà nước ta đang vận động và xây dựng việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho công dân.
Tôi cho rằng việc đi khám sức khỏe tổng thể của cả vợ và chồng là rất tốt, nhiều nước tiên tiến khác vấn đề này cũng rất được xem trọng, tuy nhiên không nên dùng từ “bắt buộc” như đề xuất hiện nay. Pháp luật không nên quá cứng nhắc trong trường hợp này. Tôi nghĩ cần phải định hướng, tuyên truyền giáo dục để mọi người nhận thức rõ đó là việc nên làm và thực hiện một cách tự nguyện chứ cái gì cũng bắt buộc, cũng luật hóa thì dễ dẫn đến làm theo kiểu chống đối, hình thức - bạn Huyền cử nhân Luật học nhận định.
Không phản đối với đề xuất của chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP Hồ Chí Minh nhưng anh Hưng (Từ Liêm – Hà Nội) lo ngại và đặt dấu hỏi: Nếu không đủ điều kiện sức khỏe thì không được kết hôn? Anh cho rằng cần phải có những hướng dẫn và giải thích cụ thể. Quyền kết hôn là quyền của con người, không ít người đến với nhau trong điều kiện sức khỏe cũng không đảm bảo chẳng hạn như những cặp đôi biết chắc chắn là mắc bệnh hoặc những người khuyết tật… họ vẫn mong muốn được thành vợ chồng và dĩ nhiên không thể vì điều kiện sức khỏe không đủ mà cấm họ kết hôn.
Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình TP HCM vừa đề xuất UBND thành phố bắt buộc các đôi lứa muốn được đăng ký kết hôn phải khám sức khỏe. Theo đó, tất cả đôi lứa trước khi làm thủ tục đăng ký kết hôn buộc phải khám sức khỏe cả vợ lẫn chồng. Yêu cầu này nhằm tránh những trường hợp vợ chồng khi kết hôn đã mắc phải những bệnh có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc về sau. |
Băng Tâm