Vào ngày 18/6, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã đưa ra một tuyên bố dài chỉ trích Mỹ về chính sách đối với Iran.
“Rõ ràng là các đồng nghiệp người Mỹ của chúng ta đã giáng một đòn quyết định vào một trong những thành tựu ngoại giao quan trọng nhất, khi họ tuyên bố rút khỏi JCPOA”, ông Ryabkov nhấn mạnh.
Phát biểu trước đó với một nhóm phóng viên, ông Ryabkov nói: "Trong một thời gian dài, chúng tôi đã chứng kiến những nỗ lực liên tục của Mỹ để tăng áp lực chính trị, tâm lý, kinh tế và quân sự đối với Iran. Tôi nghĩ rằng những hành động đó khá khiêu khích và không thể được coi là điều gì khác ngoài chính sách có chủ ý nhằm kích động chiến tranh".
Tại thời điểm cuộc họp giữa những người đứng đầu hội đồng an ninh quốc gia Israel, Nga và Mỹ chuẩn bị diễn ra, phía Moscow đã kêu gọi Washington và Tehran cùng nhau giảm bớt căng thẳng.
Dự kiến vào ngày 24/6 tới đây, cố vấn an ninh quốc gia của ba nước, gồm Meir Ben-Shabbat, Nikolai Patrushev và John Bolton sẽ gặp nhau tại Jerusalem để thảo luận về Syria và tình hình liên quan đến Iran.
Giới phân tích cho rằng, các cuộc đàm phán ở Jerusalem tới đây có thể sẽ lật sang một trang mới trong tương tác Mỹ-Nga ở Trung Đông.
Chính sách của Mỹ đối với Nga là khó thay đổi nhưng Trung Đông sẽ tiếp tục là một khu vực mà Moscow và Washington có thể kết nối với nhau về nhiều vấn đề, bao gồm cả tránh va chạm quân sự, theo Al-Monitor.
Một thành viên của phái đoàn Nga tới Jerusalem cho biết, người Nga đang mong chờ cuộc họp nhưng có một sự kỳ vọng khiêm tốn về những gì có thể đạt được.
“Chúng tôi mong đợi rất nhiều về những bước đi ngoại giao xung quanh một số vấn đề nhất định. Chúng ta sẽ thấy đó là những cuộc thảo luận thú vị”, người này cho biết.
Khi được hỏi liệu Nga có nhắc lại các đề xuất trước đó của mình đối với người Israel và người Mỹ về Cao nguyên Golan và một số vấn đề quan trọng khác hay không, thành viên này nói rằng vẫn còn một số vấn đề có thể được xem xét, “nhưng không phải tất cả các phát súng đều được bắn”.
Mặc dù lập trường của các bên có thể khó dung hòa, nhưng cách thức kết nối hiện tại và chủ đề của các cuộc thảo luận được cho là rất quan trọng, tờ Al-Monitor nhận định.
Cuộc họp ở Jerusalem có thể không nhất thiết tạo ra một “viên đạn bạc” giúp giải quyết các bất đồng về Iran nhưng thành công của cuộc gặp có thể đến từ việc nó sẽ tạo ra một điều gì đó giúp Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump thảo luận với nhau ở Hội nghị thượng đỉnh G-20 diễn ra vào ngày 27-28/6.
Phía Nga đã lên ý tưởng cho một cuộc gặp gỡ đầy đủ, thay vì một cuộc gặp chớp nhoáng trên đường đi giữa hai nhà lãnh đạo.
Nếu hai vị tổng thống gặp nhau “khi đang di chuyển”, họ sẽ không thể thảo luận về toàn bộ các vấn đề trong chương trình nghị sự song phương, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói .
Ông chỉ ra rằng một cuộc họp như vậy thậm chí có thể được chuẩn bị muộn nhất là vào đêm trước hội nghị thượng đỉnh.
Trong một diễn biến khác, một số người ở Tehran có thể đang ngầm phẫn nộ với Moscow vì nước này đã không có lập trường ủng hộ Iran thẳng thắn hơn.
Vào tháng 5, ông Putin nói rằng Nga không phải là “đội cứu hỏa” để có thể “dập lửa ở bất cứ đâu”, ngụ ý rằng Iran không nên dựa vào Nga trong trường hợp xung đột với Mỹ.
Moscow dường như đang tìm cách tìm kiếm sự bảo đảm trong ván cược của mình và không sẵn sàng trở thành một bên trực tiếp trong cuộc xung đột tiềm tàng giữa Mỹ và Israel với Iran, tờ Al-Monitor bình luận.
Điều đó cho thấy rằng, Nga sẽ đóng vai trò như một “đội cứu thương”, sẵn sàng làm mát những cái đầu nóng sắp sửa tiến hành một cuộc xung đột quân sự bằng một biện pháp khắc phục sự leo thang.
Tuy nhiên, nếu các bên nghiêm túc nghĩ đến chiến tranh là cách duy nhất để giải quyết xung đột, thì Nga có thể làm rất ít để ngăn chặn họ.
Suy nghĩ hiện tại mà Moscow đang có đó là một cuộc xung đột quân sự sẽ không phục vụ lợi ích cho Mỹ.
Bài học cay đắng từ chiến dịch Iraq lẽ ra nên dạy Washington một điều rằng, nếu mục tiêu cuối cùng chỉ là đưa Iran trở lại quỹ đạo ảnh hưởng của Mỹ, xung đột quân sự có thể không nhất thiết đảm bảo kết quả như vậy.
Nếu mục tiêu của một cuộc chiến là để Tehran thay đổi hành vi của mình, điều này thực sự có thể làm được, nhưng cái giá phải trả là không hề tương xứng cho khu vực cho mạng sống và tài nguyên của chính nước Mỹ.
Nhưng bất chấp sự không tin tưởng và sự bất mãn của Tehran đối với Moscow, và thiên hướng của Iran trong việc dựa vào chính sức lực và sự khôn ngoan của mình, Nga dường như vẫn được giới lãnh đạo Iran xem là thế lực chính bên ngoài mà Iran nên bám vào trong thời kỳ hỗn loạn gia tăng ở Trung Đông.
Liệu các đề xuất của Nga sẽ được xem xét về mặt giá trị và được thông qua vì lợi ích của tất cả các bên hay không, điều đó có thể sớm được tiết lộ tại Jerusalem.