Thông tin từ TS. Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị stress (viện Sức khỏe Tâm thần, bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mới đây, bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho N.T.N (nữ bệnh nhân 21 tuổi). N. hiện đang là sinh viên năm 2 một trường đại học tại Hà Nội. N. mắc chứng tự hủy hoại bản thân và đã được gia đình đưa tới viện Sức khỏe Tâm thần để điều trị.
Chia sẻ sâu hơn về trường hợp này, TS.Tâm cho hay, N. là con thứ 2 trong gia đình có 2 con ở Hà Nội. Đây là cô gái có tính cách hiền, dễ xúc động, học thiên về môn xã hội và có học lực khá giỏi. Cô mong muốn được đi du học nước ngoài nhưng điều kiện gia đình không thể đaá ứng
“Bệnh nhân luôn mong muốn được đi du học nhưng điều kiện kinh tế gia đình không đủ. Cô gái không thể thoải mái với hoàn cảnh hiện tại. Chính những trăn trở đó làm cho bệnh nhân mệt mỏi, mất ngủ, hay hồi hộp, tức ngực, cảm giác ngột ngạt khó thở nhưng không biết chia sẻ cùng ai. Nói với bạn thì sợ xấu hổ, nói với bố mẹ sợ làm bố mẹ buồn”, TS. Tâm chia sẻ.
Từ tâm trạng không được giải quyết đó bệnh nhân xuất hiện ý tưởng cắt tay bằng dao lam. Khi vào viện trên cổ tay nữ sinh viên đã có 16 vết cắt rỉ máu.
“Vào viện, bệnh nhân mô tả mỗi lần cắt tay như vậy đều không thấy đau ngược lại còn thấy trong lòng nhẹ nhàng hơn. Chính vì cắt tay nên gia đình phát hiện và đưa bệnh nhân đến viện. Tại đây, N. được quan tâm nhiều hơn nên không tiếp tục cắt tay được nữa. Thay vào đó bệnh nhân xuất hiện những cơn rối loạn vận động phân ly.
Các bác sĩ đã làm liệu pháp tâm lý, cho bệnh nhân uống thuốc chống trầm cảm và giải lo âu. Sau 3 tuần điều trị bệnh nhân gần như đỡ hoàn toàn, sau đó bệnh viện đã đề nghị gia đình cho bệnh nhân xuất viện và tiếp tục điều trị tâm lý”, TS. Tâm cho hay.
Thêm một trường hợp tự hủy hoại bản thân được chia sẻ bởi TS. Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng viện Sức khỏe tâm thần là trường hợp bé Tr.T.P (9 tuổi). P. cũng bị chứng tự hủy hoại bản thân. P. thích chơi game, nghiện máy tính, bố mẹ bận việc suốt nên ít có thời gian quan tâm đến con nên P. lấy những thứ đó làm bạn. Vì thế khi bố mẹ cấm không cho sử dụng máy tính, tivi, điện thoại… P. thấy buồn.
“Vì ấm ức sinh ra stress, bệnh nhân liên tục nhổ tóc đến trọc hết phần đầu phía trước, bóc da chân, da tay… Thấy con gái có những triệu chứng như trên bố mẹ đã dành thời gian cho con đi chơi nhiều hơn, tập yoga... thì P. đỡ hơn.
Tuy vậy, thỉnh thoảng ở P. vẫn xuất hiện tình trạng tự cấu da ở bàn chân. Khi vào viện P chia sẻ rằng, cấu vậy không đau nữa mà thoải mái hơn. Khi yêu cầu không cấu thì chân tay bồn chồn. Các bác sĩ đã tích cực điều trị kết hợp cùng với gia đình chữa cho P. ”, TS. Phương cho hay.
Bàn sâu hơn về chuyên môn, TS. Dương Minh Tâm cho biết dấu hiệu nhận biết bệnh nhân mắc bệnh tự ngược đãi bản thân đó là có hành vi tự ngây tổn hại như tự gây đau mà thường hay gặp nhất là hình thức cắt tay, cắt cổ tay với những nhát sắc gây chảy máu nhưng không gây tổn hại đến tính mạng. Bệnh nhân có thể cắt nhiều vị trí khác nhau. Lao đầu vào tường, tự đánh, tát, nhổ tóc, cào rách da, nhịn ăn cũng là một trong những cách để bệnh nhân tự hủy hoại bản thân mình.
Tự gây tổn hại tinh thần, tự ngược đãi tinh thần, đưa mình vào hoàn cảnh cấm đoán để chịu khổ sở. Sau mỗi lần làm tổn hại bản thân, bệnh nhân thấy tâm trạng thoải mái hơn. Khi có những dấu hiệu trên gia đình nên đưa bệnh nhân đi khám.
Tên nhân vật tự hủy hoại bản thân đã được thay đổi!
Nguyễn Huệ