Nắm bắt được nhu cầu của bị hại muốn “chạy” cho con mình đỗ Đại học, Nguyễn Thị Phượng đã dựng lên một “kịch bản” hoàn hảo và lôi kéo thêm 2 người bạn thân giúp mình thực hiện việc lừa đảo gần 200 triệu đồng. Toàn bộ số tiền chiếm đoạt được, một mình Phượng sử dụng tiêu xài hết, không chia cho những người giúp sức. Vậy 2 người đồng phạm kia có phải liên đới bồi thường số tiền bị chiếm đoạt trong vụ án hay không?.
Hình minh họa |
Mắc mưu siêu lừa
Vợ chồng chị Hoàng Thị Tuyết (SN 1974, ngụ TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình) làm nghề bán thịt lợn, có con gái là cháu Vũ Thị L. thi vào khoa Công nghệ sinh học của trường Đại học N. được 11,5 điểm nên không trúng tuyển. Cuối tháng 8/2012, đối tượng Nguyễn Thị Phượng (tức Phương, ngụ TP.Thái Bình) đến mua thịt lợn hàng chị Tuyết, biết chuyện đã nảy sinh ý định lừa đảo “chạy trường” nên nói dối rằng có em họ tên Xuân là giảng viên khoa Công nghệ sinh học của trường Đại học N, có thể giúp cháu L “đỗ vớt”.
Như người “chết đuối vớ được cọc”, chị Tuyết vội nhờ Phượng liên hệ với cô Xuân để “xin” cho cháu L được trúng tuyển. Biết "cá đã cắn câu", lập tức Phượng xây dựng một kịch bản hoàn hảo để chiếm đoạt tiền của chị Tuyết. Thực hiện ý đồ trên, Phượng gọi điện cho mẹ đẻ là bà Vũ Thị Ngoãn nhờ bà Ngoãn đóng vai mẹ của cô giáo Xuân để Phượng dẫn chị Tuyết đến nhờ xin việc.
Sau đó Phượng gọi điện thoại nhờ Đoàn Văn Hùng (SN 1976, ngụ huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) đóng giả là chồng của cô giáo Xuân. Ngoài ra, Phượng còn gặp bạn là Vũ Thị Tươi (SN 1982, ngụ huyện Kiến Xương, Thái Bình) nói có người nợ Phượng mấy chục triệu, người này có con thi đại học thiếu điểm đã nhờ Phượng xin học nên Phượng “nói khó” với Tươi đóng giả là cô giáo Xuân để khi người ấy đưa tiền chạy xin học cho con thì Phượng sẽ trừ vào nợ cũ là xong. Bà Ngoãn, Hùng và Tươi đồng ý “giúp” Phượng theo kịch bản đã được Phượng dựng sẵn.
Hôm sau, Phượng dẫn chị Tuyết về gặp bà Ngoãn là “mẹ cô Xuân” để nhờ và được bà Ngoãn nhận lời sẽ nói với “con gái” giúp chị Tuyết. Sau đó, Phượng bày cách cho chị Tuyết: “Muốn cụ thể phải lên Hà Nội gặp thầy Hùng là chồng cô Xuân”. Sau đó, Phượng điện thoại báo cho Hùng, hẹn mai sẽ đưa anh Xô chồng chị Tuyết lên “chạy” trường cho cháu L và dặn Hùng ra giá là 150 triệu đồng. Hùng đồng ý làm theo.
Khoảng 9h ngày 20/9/2012, Phượng dẫn anh Xô, cháu L và người nhà đến một quán cà phê ở gần cổng trường Đại học N nói là gặp thầy Hùng, chồng cô Xuân. Tại đây, Hùng nói với anh Xô: “Trường hợp cháu L muốn vào khoa Công nghệ sinh học thì phải nâng lên khoảng hơn 10 điểm, giá cả đầu vào phải ngang với vào trường An ninh là 140 triệu đồng”. Tin tưởng Hùng, anh Xô đồng ý về giá cả và hai bên thoả thuận giao số tiền trên qua Phượng.
Sau đó anh Xô gọi Phượng đến nhà đưa tiền cho Phượng hai lần với tổng số tiền 140 triệu đồng (lần 1 ngày 24/9/2012 với số tiền 50 triệu đồng, lần 2 ngày 28/9/2012 với số tiền 90 triệu đồng), Phượng có viết giấy biên nhận.
Khoảng 10 ngày sau, Phượng thông báo cho gia đình chị Tuyết làm hồ sơ cho cháu L nhập học, sau đó Phượng trực tiếp dẫn cháu L đi nhập trường. Chị Tuyết mừng quýnh, gọi điện thoại cho Tươi (đóng vai cô giáo Xuân) hỏi thăm thì được “cô giáo” nói gia đình yên tâm, mọi việc đã ổn. Ngoài số tiền 140 triệu, Phượng còn “đẻ” ra nhiều lý do để “moi” thêm của chị Tuyết 57.535.000 đồng nói là chi phí quà biếu xin nhập học, tiền học phí, tiền thuê trọ...
Thành đồng phạm lừa đảo vì “cả nể”
Gần 1 tháng sau ngày Phượng dẫn cháu L lên “nhập trường” mà vẫn chưa thấy cháu được đi học, gia đình chị Tuyết quá sốt ruột và bắt đầu nghi ngờ, nhắn tin vào điện thoại của “cô giáo Xuân” để hỏi han, đòi lại tiền. Lúc này Tươi mới thú nhận chỉ là người được Phượng nhờ đóng vai để giúp đòi nợ, chứ Tươi không biết Phượng lừa đảo của chị Tuyết gần 200 triệu đồng. Vợ chồng chị Tuyết đã trình báo công an; sau đó Nguyễn Thị Phượng, Đoàn Văn Hùng và Vũ Thị Tươi bị khởi tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 26/2013/HSST ngày 26/2/2013, TAND TP.Thái Bình đã tuyên phạt Nguyễn Thị Phượng mức án 6 năm tù; Đoàn Văn Hùng 3 năm 6 tháng tù; Vũ Thị Tươi 2 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Về trách nhiệm dân sự, tòa tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho người bị hại là anh Xô chị Tuyết 140 triệu đồng (trong đó phần của Phượng là 100 triệu đồng; phần của Hùng là 30 triệu đồng; phần của Tươi là 10 triệu đồng); ngoài ra, Phượng phải bồi thường tiếp cho người bị hại 57.535.000 đồng.
Không được hưởng lợi, sao lại phải bồi thường?
Ngày 11/3/2013, Viện trưởng VKSND TP.Thái Bình đã ra Quyết định kháng nghị số 02 kháng nghị phần quyết định trách nhiệm dân sự của bản án sơ thẩm vụ án trên. Kháng nghị nhận định, bị cáo Phượng đã lôi kéo Hùng và Tươi cùng tham gia vụ lừa đảo “chạy” trường cho cháu Vũ Thị L, để chiếm đoạt của anh Xô chị Tuyết 140 triệu đồng.
Ngoài ra, Phượng còn chiếm đoạt tiếp của vợ chồng bị hại 57.535.000 đồng. Do đó, Phượng có vai trò chủ mưu; Hùng và Tươi có vai trò giúp sức cho Phượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt của vợ chồng anh Xô và chị Tuyết số tiền 140 triệu đồng.
Phượng là người trực tiếp chiếm đoạt và sử dụng hết số tiền này, Hùng và Tươi hoàn toàn không được hưởng lợi. Tại phiên tòa, bị cáo Phượng cũng khai nhận có trách nhiệm bồi thường toàn bộ số tiền này cho người bị hại.
Như vậy do đánh giá chưa đúng với các chứng cứ chứng minh việc sử dụng số tiền 140 triệu đồng do bị cáo Phượng trực tiếp nhận của người bị hại nên TAND TP.Thái Bình đã tuyên phần trách nhiệm dân sự buộc bị cáo Đoàn Văn Hùng phải liên đới bồi thường 30 triệu đồng, bị cáo Vũ Thị Tươi phải liên đới bồi thường 10 triệu đồng cho các bị hại là không đúng với quy định của pháp luật, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị cáo Hùng và Tươi.
Vì các lẽ trên, VKSND TP.Thái Bình đề nghị TAND tỉnh Thái Bình xét xử vụ án theo trình phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm trên về phần trách nhiệm dân sự, buộc bị cáo Nguyễn Thị Phượng phải bồi thường toàn bộ số tiền 140 triệu đồng cho vợ chồng anh Xô, chị Tuyết.
|
Theo Trần Oanh (Pháp luật Việt Nam)