Yemen không phải là cuộc chiến duy nhất chưa hoàn thành của Saudi Arabia trong thập kỷ này. Trước chiến dịch can thiệp quân sự của Thái tử Mohammed bin Salman tại Yemen, cựu lãnh đạo tình báo của vương quốc Ả Rập - hoàng tử Bandar bin Sultan đã dẫn đầu cuộc chiến ủy nhiệm bí mật chống Iran ở Syria trong giai đoạn 2012-2014.
Giờ đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump mang đến cho Riyadh cơ hội trở lại Syria một lần nữa, bằng cách đóng vai trò thay thế lực lượng của Mỹ.
Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Bộ trưởng Ngoại giao (dự kiến) Mike Pompeo đang tiến hành cuộc đàm phán nhằm xây dựng một lực lượng quân đội chung được gọi là liên minh Ả Rập, đóng vai trò giữ ổn định ở phía đông bắc Syria sau khi cuộc chiến chống IS kết thúc.
Các nước đang được tiếp cận bao gồm Ai Cập, Bahrain, Jordan, Qatar, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE). Trong đó Riyadh được Washington chỉ định vai trò trung tâm của liên minh được ví như "NATO Ả Rập".
Tuy nhiên theo các nhà phân tích, đề xuất trên nếu được thực hiện, sẽ không tạo ra sự khác biệt nào và có thể còn làm trầm trọng thêm tình hình ở Syria.
"Ván bài" của Nhà Trắng và sự bất đồng của liên minh Ả Rập
Nhà Trắng đã không kêu gọi chính quyền Saudi Arabia tham gia vào cuộc không kích nhằm vào Syria hôm 14/4.
Tuy nhiên, tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Trump từng yêu cầu vương triều Ả Rập cung cấp 4 tỷ USD cho mục đích tái thiết Syria (mà Riyadh đã từ chối), đồng thời mong rằng nước này sẽ chấp nhận quyết định của Mỹ khi công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Có thể thấy rằng, Tổng thống Trump luôn thể hiện thế “cửa trên” và luôn yêu cầu Saudi đi theo quan điểm của mình về vấn đề Israel-Palestine mà không đưa ra bất kỳ điều kiện nào đáp trả lại.
Trong khi điều mà Saudi Arabia luôn mong chờ một lời đảm bảo ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran ở Trung Đông.
Chỉ trong tháng này, chính quyền Tổng thống Trump đã phàn nàn về những nỗ lực của OPEC trong việc tăng giá dầu – một hướng đi quan trọng cho các kế hoạch kinh tế lớn của Saudi Arabia – nhưng một mặt vẫn yêu cầu Riyadh giúp Mỹ giảm bớt gánh nặng cho mình tại Syria. Thực tế từ những điều này cho thấy, quan hệ Mỹ-Ả Rập hiện tại có thể không còn ấm cúng như trước.
Riyadh đã từng gửi quân nhiều lần đến Syria kể từ năm 2011, nhưng chính quyền của Tổng thống Barack Obama đã cảnh giác với mục đích và đặt dấu hỏi về khả năng của Saudi.
Ở cấp độ khu vực, nếu được thành lập, liên minh Ả Rập được cho là sẽ không có nhiệm vụ rõ ràng.
Cả Liên đoàn Ả Rập và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) hiện đang rơi vào tình trạng bất đồng, trong khi liên minh 34 quốc gia chống IS mà Riyadh công bố vào tháng 12/2015 dường như chỉ mang tính hình thức nhiều hơn là một lực lượng thực sự trên mặt đất.
Hơn nữa, các thành phần tham gia vào kế hoạch này thực tế lại không chia sẻ cùng một mục tiêu.
Mỹ đang tập trung vào việc đánh bại IS và ổn định vùng Đông Bắc Syria, trong khi không rõ liệu một số đối tác Ả Rập sẽ sử dụng nền tảng này để gây áp lực cho chính quyền Syria hay ngăn cản Iran là chính.
Sẽ không có chuyện lính Saudi Arabia và Qatar cùng hợp tác ở Syria mà cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh chưa được giải quyết rõ ràng. Ai Cập khả năng cao sẽ từ chối gửi quân do không muốn mối quan hệ với Damascus bị tổn hại.
Sự thông qua của Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và SDF
Cuộc thảo luận với các đối tác Ả Rập của Mỹ sẽ trở nên vô ích khi không có sự tham gia của các thế lực lớn ở Syria.
Theo Al Jazeera, “giấy phép” cho sự hiện diện của Mỹ tại Syria không thể chuyển nhượng nếu không có sự đồng ý của “người cấp phép”. Washington cần thảo luận với Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), lực lượng chính trên mặt đất ở phía Đông Bắc.
Ngoài ra, nếu không có sự chấp thuận ngầm với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, liên minh Ả Rập sẽ tự "nướng quân" trên chiến trường và Mỹ sẽ tiếp tục phải bảo vệ đội quân này như trông giữ “những đứa trẻ”.
Cùng với đó, các đồng minh chính của liên minh Ả Rập như Jordan và Israel, nằm ở biên giới phía Nam sẽ không có thể liên kết một cách triệt để với lực lượng ở vùng đông bắc.
Khi được thành lập, liên minh Ả Rập gần như sẽ trở thành kẻ thù của rất nhiều bên, bao gồm chính quyền Syria, Iran, Nga, SDF và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hầu hết các đối tác Ả Rập tham gia vào liên minh đều có mối quan hệ không thực sự tốt với Thổ Nhĩ Kỳ.
Riyadh cũng sẽ cần phải có những thỏa thuận riêng với lực lượng người Kurd trước khi tiến vào Syria nếu không muốn khả năng đối đầu xảy ra.
Liên minh Ả Rập sẽ phải đối mặt với tình thế khó xử tương tự những gì Mỹ hiện đang làm trong việc cân bằng mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và SDF.
Tổng thống Trump hiện chỉ tập trung vào mục tiêu đưa quân đội Mỹ ra khỏi Syria mà không có chiến lược khu vực rõ ràng.
Kế hoạch về cái gọi là thành lập liên minh Ả Rập này dường như chỉ là cách mà đội cố vấn của ông trì hoãn quyết định rút lui hoàn toàn khỏi Syria.