Bộ trưởng bộ GD&ĐT chia sẻ với báo chí bên lề phiên họp QH về văn bản 2998/2013 do chính ông ký gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2013.
Theo đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh thành phải có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến thi cử như lộ đề, đề thi có sai sót, tiêu cực trong kỳ thi... (nếu có).
Vậy việc đề nghị các cơ quan truyền thông trao đổi kỹ với cơ quan chức năng trước khi đăng tải các thông tin nhạy cảm liên quan đến thi cử được hiểu như thế nào, thưa ông?
Tôi đề nghị các địa phương trao đổi để các cơ quan báo chí cân nhắc việc đó để phối hợp và không có giới hạn việc đưa thông tin sai phạm trong thi cử lên mặt báo. Báo chí phản ánh sẽ tạo nên sức ép để cả xã hội đấu tranh với chuyện tiêu cực trong giáo dục một cách sát sao.
Tôi cho rằng báo chí cần thận trọng khi đưa tin, thực tế đã có hiện tượng báo này, báo kia, nhất là các báo mạng, nghe là đăng, không kiểm chứng, đến khi sự việc không có thật lại đăng là không có. Việc này để lại hậu quả cho các em học sinh vì không có môi trường yên tĩnh để làm bài thi bởi những thông tin sai sự thật về tiêu cực, gian lận trong thi cử.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận
Nhưng nếu cứ phải qua các cơ quan chức năng, thẩm định thông tin thì đâu còn sự nhanh, nhạy của thông tin báo chí?
Theo tôi, báo chí có thể trao đổi với công an và cơ quan thanh tra về GD&ĐT, phối hợp điều tra, xác minh, bóc tách để xử lý. Nếu nhà báo đã cung cấp thông tin nhưng nơi nhận tin ỉm đi, không xử lý, vấn đề được đăng lên mặt báo Bộ sẽ vào cuộc. Chúng ta nên chống tiêu cực trong giáo dục một cách có trách nhiệm, chất lượng để đảm bảo môi trường thi cử cho các em học sinh được yên tĩnh và không bị những thông tin của những người hoặc vô tình hoặc cố ý làm mất ổn định môi trường sư phạm.
Ông đánh giá như thế nào về năm đầu tiên thí sinh được mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi để chống tiêu cực?
Điều này sẽ khiến cho các thầy giáo và cán bộ quản lý tốt, khi giám sát học sinh nghiêm chỉnh hơn. Thực tế có thầy giáo cũng vi phạm và cán bộ quản lý, chỉ đạo cũng vi phạm. Tuy nhiên, quy chế hiện nay chưa có giám sát này, mới chỉ có cách ly vòng ngoài, vòng trong nhưng các vòng này không tốt.
Thực chất việc này chỉ tạo nên một sự giám sát thôi. Học sinh cũng là một chủ thể của nhà trường, cũng có thể có những gian lận vi phạm của học sinh, nhưng học sinh nhiều em tốt, trung thực và đấu tranh thì không có lý gì chúng ta không sử dụng lực lượng đấy. Mặt khác, những học sinh trung thực, dám đấu tranh chống tiêu cực phải động viên các cháu.
Vậy với những vụ tiêu cực do báo chí phát hiện, Bộ đã xử lý thế nào thưa ông?
Phần lớn những vụ tiêu cực chúng tôi xử lý vừa rồi là do báo chí đưa tin. Nhiều nhà báo cung cấp cho chúng tôi cả băng ghi âm, bài viết và nhiều tư liệu và báo chí cũng công nhận Bộ đã xử lý rất nghiêm túc những sai phạm.
Thưa ông, có thể hiểu quy định mới trong kỳ thi năm nay là Bộ đang tự thân chống tiêu cực hay không?
Tôi nghĩ rằng phải từng bước một đấu tranh, tất nhiên là vỏ quýt dày móng tay nhọn, bởi khi ta đưa ra chính sách đấu tranh chống tiêu cực, những kẻ tiêu cực lại có thủ đoạn khác để đối phó. Cho nên, ta phải kiên trì, không thể có phương thuốc chữa hết bệnh ngay được.
Xin cảm ơn ông!
Minh Khánh (ghi)