Giới thiệu luật Bảo vệ môi trường họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước đối với 7 Luật đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thứ trưởng bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân cho biết, luật Bảo vệ môi trường 2020 với 16 Chương, 171 Điều. Luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022; riêng khoản 3, Điều 29 về đánh giá sơ bộ tác động môi trường có hiệu lực thi hành từ 1/2/2021.
Luật Bảo vệ môi trường 2020 có nhiều quy định nhằm cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, cắt giảm trên 40% thủ tục hành chính, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính từ 20 - 85 ngày, góp phần giảm chi phí tuân thủ của doanh nghiệp thông qua các quy định. Đồng thời, thu hẹp đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường; tích hợp các thủ tục hành chính vào 1 giấy phép môi trường; đồng bộ các công cụ quản lý môi trường theo từng giai đoạn của dự án, bắt đầu từ khâu xem xét chủ trương đầu tư, thẩm định dự án, thực hiện dự án cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức và kết thúc dự án.
Thứ trưởng bộ TN&MT cho hay, lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.
"Lần đầu tiên, luật thiết kế khung chính sách hướng đến việc hình thành đạo luật về bảo vệ môi trường có tính tổng thể, toàn diện và hài hòa với hệ thống pháp luật về kinh tế - xã hội. Luật quy định nguyên tắc hoạt động bảo vệ môi trường phải công khai, minh bạch; quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến chất lượng môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường", ông Nhân nhấn mạnh.
Đáng chú ý, luật có nhiều chính sách mới đột phá như: Cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; Tăng cường công khai thông tin, tham vấn và phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời, được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường; Thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với các dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; Kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường…
“Luật đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa được chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế", ông Nhân nói.
Đặc biệt, luật mới thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Lần đầu tiên luật đã quy định việc thực hiện thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay.
Liên quan đến câu hỏi của báo chí về việc luật không buộc các doanh nghiệp phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường, điều này có thể khiến một số doanh nghiệp lấy lý do báo cáo chứa bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ để né công khai? Thứ trưởng bộ TN&MT cho biết: "Công khai các đánh giá, thẩm định đánh giá tác động môi trường là trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. Tới đây sẽ có cơ sở dữ liệu quốc gia về lĩnh vực này và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm công khai".
Hương Lan