Được biết, đây không phải là lần đầu tiên một quan chức hàng đại gia có hành vi côn đồ đối với nhân viên sân golf. Trong khi chúng ta đang nói nhiều về văn hoá ứng xử, đạo đức tư cách của người cán bộ, công chức thì việc hành xử theo kiểu "lưu manh giả danh trí thức" của một bộ phận cán bộ như vậy là điều không thể chấp nhận được.
Nhiều cán bộ gây "scandal"
Thời gian gần đây, một trong những "mốt" được các "đại gia" lựa chọn để giải trí đó là chơi golf. Môn thể thao quý tộc này ngày càng thu hút giới lắm tiền nhiều của. Thế nhưng, có một điều khá lạ là trong khi những vị doanh nhân đi chơi golf ít để xảy ra điều tiếng thì có không ít cán bộ, công chức lại liên tục tạo ra những scandal. Trước khi vụ việc Chủ tịch HĐQT, giám đốc Cty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội dùng gậy vụt vào caddie khiến dư luận bức xúc thì trước đó một đại gia khác là chuyên viên Văn phòng Quốc hội cũng từng thẳng tay "tung chưởng" khiến một nữ caddie xinh đẹp phải nhập viện. "Tư lệnh ngành" giao thông Vận tải Đinh La Thăng từng ra quyết định cấm cán bộ, lãnh đạo trong ngành không được chơi môn thể thao này. Sau khi ban hành quyết định, dư luận ít nhiều phản đối nhưng sau những lùm xùm trên sân golf thời gian gần đây, có lẽ những quy định đó không phải là không có cơ sở.
Lương 10 triệu đồng/tháng có đủ chơi golf?.
Trở lại sự việc ông Nguyễn Đức Sơn (ở phố Đặng Tất, quận Ba Đình, Hà Nội; hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ công ty TNHH Một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội) dùng gậy chơi golf đánh vào đầu nhân viên phục vụ sân golf Tam Đảo (Vĩnh Phúc) ngày 15/9 vừa qua, phóng viên đã có cuộc trao đổi với anh Trương Tiến Công, nạn nhân trong vụ việc.
Theo lời kể của nạn nhân Công, vào khoảng 11h cùng ngày, ông Sơn đánh golf vào hố số 13 nhưng kết quả không như ý nên thắc mắc với nữ caddie (cách gọi nhân viên phục vụ sân golf) của mình. Sau khi nghe nữ caddie trả lời, ông Sơn hỏi lại: "Cái gì á?". "Lúc đó tôi đang che ô cho khách cùng chơi và có nói thêm vào để giải thích. Nghe vậy, ông Sơn nhặt quả bóng lên, đi đến, chỉ gậy quát: "Mày nói linh tinh gì đấy, rồi bất ngờ vụt vào đầu tôi", anh Công kể lại. Theo nạn nhân, thường thì nhân viên chỉ phục vụ cho khách của mình, nhưng thời điểm đó giải thích với khách khác là do trước khi đánh hết hố đầu tiên, chuẩn bị sang hố thứ 2 thì nhóm của ông Sơn gọi cả 3 người phục vụ đến dặn phải theo dõi, giám sát lẫn nhau, thông báo kết quả, tránh ăn gian gậy. "Chính vì dặn thế nên chúng tôi vừa phải nắm tình hình của khách, vừa nắm tình hình những bạn chơi của họ", anh Công nói.
Vậy là, chỉ vì dám lên tiếng khi vị "đại gia" đang chơi golf, anh Trương Tiến Công, nhân viên phục vụ tại CLB golf Tam Đảo đã bị vị giám đốc này vụt gậy putt vào đầu. Hậu quả, anh Công ngất xỉu và phải nhập viện trong tình trạng máu me be bét. Được biết, ban điều hành CLB sân golf Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) đã ra thông báo về việc truất quyền chơi golf tại sân golf Tam Đảo đối với ông Sơn trong vòng 1 năm. Tuy nhiên, khi trao đổi với phóng viên báo chí về hành vi côn đồ của mình, ông Sơn biện minh: “Chỉ gõ nhẹ lên đầu, lỡ tay, không may”. Trong khi dư luận đang chờ một lời xin lỗi, một hành động hối hận từ vị giám đốc doanh nghiệp này thì ông Sơn tiếp tục cho rằng hành động này giống như... phụ huynh dạy con cái và chỉ là vô tình. Thế nhưng, cái sự vô tình của một người có tiền, có quyền như giám đốc Sơn đã khiến nhân viên phục vụ sân golf phải nhập viện điều trị tức thì.
Dư luận bức xúc vì đây không phải lần đầu một cán bộ Nhà nước có cách hành xử như ông Sơn. Trước đó, vào tháng 12/2012, một cán bộ khác là ông Trần Hải Lê (chuyên viên Văn phòng Quốc hội) cũng đã lỡ chân khi đạp thẳng vào bụng nữ caddie tên Tuyết. Cú ra chân của vị khách VIP này khiến nữ nhân viên nhập viện điều trị dài ngày với nhiều vết thương bầm tím.
Vị TGĐ dùng gậy putt "phang" nhân viên sân golf.
Có quyền nhưng thiếu văn hóa
Việc một số cán bộ, công chức có hành động côn đồ khi chơi golf cậy quyền thế và nhiều tiền xúc phạm tới thân thể, danh dự của người phục vụ đã khiến dư luận hết sức bức xúc. Tuy nhiên, dường như những hiện tượng như vậy đã không còn cá biệt. Báo chí từng đăng tải không ít trường hợp cán bộ cửa quyền, hống hách sẵn sàng "xuống tay" với nhân viên nếu làm mình "nóng mắt". Hẳn dư luận chưa quên, cách đây 1 năm, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45, công an TP. Hà Nội) tiến hành điều tra vụ Giám đốc Công ty TNHHMTV đầu tư và xây dựng Vinashin dùng kiếm chém người. Được biết, khi đến nhà vị giám đốc này đòi nợ, nhân viên đã bị ông ta dùng kiếm chém vào đầu, vào tay gây thương tích phải đi cấp cứu tại bệnh viện.
Mới đây, vị Giám đốc trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã dùng lời lẽ xúc phạm, đánh đập nhân viên cấp dưới ngay giữa cơ quan khiến nhiều người bức xúc. Sự việc xảy ra khiến Ủy ban Kiểm tra huyện Đức Thọ phải vào cuộc. Vị Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đã thốt lên: "Chúng tôi rất lấy làm tiếc. Một cán bộ quản lý văn hóa mà lại có cách ứng xử như thế. Sắp tới, chúng tôi sẽ có kết luận cuối cùng và biểu quyết hình thức kỷ luật với ông này".
Dư luận đặt câu hỏi, ngoài những vụ việc bị báo chí "phanh phui", còn biết bao scandal liên quan đến văn hóa của cán bộ mà chúng ta không thể biết? Rõ ràng, đang có một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức có tiền, có quyền nhưng hành xử lại rất thiếu văn hoá, coi thường người khác. Họ tự cho mình cái quyền được hành xử lỗ mãng, côn đồ với nhân viên, với người phục vụ thậm chí với cả người dân. Điều đáng lo ngại, dường như các sự việc ngày càng diễn ra nhiều hơn với mức độ nghiêm trọng hơn.
Đem thông tin về sự việc Tổng giám đốc phang gậy vào đầu nhân viên sân golf trao đổi với ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương, vị cán bộ lão thành tỏ ra vô cùng bức xúc. Ông Hương khẳng định: "Đây không còn là chuyện hành xử văn hóa giữa cán bộ với nhân viên nữa mà đã vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. Anh đánh người khác là xâm phạm đến thân thể, danh dự người ta". Theo lời ông Hương, dù có là Tổng giám đốc hay bất kỳ lãnh đạo nào đi nữa khi vi phạm cũng phải xử lý theo pháp luật. Quan chức càng to càng phải xử nặng để làm gương.
Trước ý kiến cho rằng, ngày càng nhiều cán bộ đang có biểu hiện cậy quyền cậy thế, đối xử vô văn hóa với người lao động, cựu Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương khẳng định: "Đó là biểu hiện của thói cửa quyền, trịch thượng, coi thường nhân dân. Dù là nhân viên sân golf hay bất kỳ ai đi nữa cũng đều bình đẳng trước pháp luật. Đừng nghĩ anh có tiền mà có thể làm những gì mình thích, bất chấp luật pháp và đạo lý. Càng là cán bộ Đảng viên càng phải nghiêm chỉnh. Theo tôi phải cho ra khỏi Đảng những cán bộ cửa quyền, vô văn hóa như vậy".
Trao đổi với PV Người đưa tin, PGS.TS Phạm Xuân Mỹ (giảng viên cao cấp học viện Báo chí và Tuyên truyền) nhận xét, đó là hành động không thể chấp nhận được, vừa vi phạm pháp luật lại vừa đi ngược với lời dạy của Bác đối với người cán bộ. Những cán bộ như vậy đã vi phạm quyền bình đẳng của con người, coi thường người lao động. "Mỗi người chúng ta đều có một công việc khác nhau, người ta làm phục vụ thì cũng là con người, cũng cần được tôn trọng. Anh có tiền để chơi golf thì anh cũng phải tôn trọng người ta, anh không được cậy quyền, cậy có tiền để hà hiếp, để vụt gậy vào người ta được", PGS.TS Phạm Xuân Mỹ nêu ý kiến.
Càng là quan chức càng phải chuẩn mực Một thành viên Câu lạc bộ Golf Hà Nội chia sẻ: "Văn hóa golf là sự tổng hợp của nhiều yếu tố và tính cách của con người. Các tay golf lên sân là để rèn luyện sự bình tĩnh và kiên nhẫn. Nhưng thực tế, không ít trường hợp khi thua đã cay cú đến mức không làm chủ được bản thân và có cách hành xử "không giống ai". Cho dù bạn có là một doanh nhân thành đạt, một chủ tịch tập đoàn hay một quan chức thì văn hóa vẫn là chuẩn mực. Hành động của vị tổng giám đốc này là không thể chấp nhận được, trái với văn hóa của người chơi golf". |
Dư luận "choáng" trước độ "chịu chơi" của một số cán bộ
Không giống như mấy vị giám đốc đơn vị công ích trong TP. Hồ Chí Minh lĩnh lương tiền tỷ mỗi năm, vị giám đốc vừa gây ra vụ đánh ngất nhân viên sân golf cho biết mình hưởng lương 10 triệu đồng/tháng. Có vẻ đây là một “giám đốc thanh liêm” với mức lương khiêm tốn.
Thế nhưng, cũng từ mức lương khiêm tốn này, dư luận "choáng" với độ chịu chơi của ông Sơn khi dành hết tiền lương của mình để chơi môn thể thao quý tộc.
Theo tìm hiểu của PV, để tham gia chơi golf tại sân golf Tam Đảo, mỗi người phải chi ra tiền triệu cho mỗi lần chơi. Theo đó, nếu là người chơi lẻ, mỗi lần tới đánh golf phải trả phí sân 1.722.000 đồng/ngày thường và 2.667.000 đồng/ngày cuối tuần. Còn một khóa học chơi golf ở sân Tam Đảo, người học nộp 8 triệu đồng cho 10 buổi học lý thuyết. Sau đó, các buổi học thực hành trên sân phải trả tiền sân riêng. Cả khóa học hết khoảng hơn 10 triệu đồng. Người chơi cũng cần trang bị một bộ gậy, tùy từng người chọn gậy cho phù hợp với mình, giá thị trường trung bình 40 triệu đồng /bộ. Ngoài ra, người chơi cũng cần trang bị quần áo, giày dép, bóng...
Còn nếu khách chơi muốn có nhu cầu trở thành hội viên như ông Sơn thì phải bỏ tiền ra mua thẻ tối thiểu một năm 1.500 USD (hơn 30 triệu đồng). Khi có thẻ, mỗi lần đi đánh golf phải trả thêm 462.000 đồng phí sân. Riêng ngày cuối tuần sẽ là 2.037.000 đồng. Đây là mức thẻ thấp nhất của sân golf Tam Đảo. Ngoài ra, nếu làm thẻ dài hạn, phí ghi danh tối thiểu 25 năm gần 800 triệu đồng và mức 48 năm sẽ khoảng 1,544 tỷ đồng. Hàng năm, mỗi hội viên phải nộp hơn 17 triệu đồng phí bảo dưỡng sân.
Theo những người chơi golf chuyên nghiệp, ngoài số tiền học, chi phí để chơi trên sân người chơi phải bỏ ra số tiền không nhỏ để mua sắm phụ kiện chơi golf. Khảo sát tại một số cửa hàng kinh doanh mặt hàng này, để mua một bộ chơi golf đầy đủ, người chơi phải bỏ ra không dưới 50 triệu đồng. "Nếu một tháng đi chơi 4 buổi, hết khoảng 16 triệu đồng, một năm gần 200 triệu đồng", một golfer ở Hà Nội chia sẻ. Ông này cũng thừa nhận, chỉ những người có tiền thì mới chơi golf được.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Sơn, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, người đã dùng gậy đánh một nhân viên phục vụ bất tỉnh tại sân golf Tam Đảo vào ngày 15/9, cho rằng: “Tôi chỉ nhận lương 10 triệu đồng/tháng. Để có thể đi chơi golf, tôi phải chọn giờ giảm giá”. Thế nhưng, với mức lương 10 triệu đồng ấy, mỗi tuần ông Sơn chỉ dám chơi một đến hai lần. Đặc biệt, vì là cán bộ công chức nên ông Sơn chỉ đi chơi vào cuối tuần, mà theo tìm hiểu của PV cuối tuần không hề có giờ giảm giá. Vì thế, việc dư luận đặt ra câu hỏi, với 10 triệu đồng tiền lương, liệu ông Sơn có đủ để chơi golf?
UBND thành phố vào cuộc vụ "giám đốc đánh caddie" Liên quan đến việc lương 10 triệu đồng vẫn đi chơi golf, nhiều ý kiến cho rằng cần phải kê khai tài sản của vị này một cách minh bạch. Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban tuyên giáo thành uỷ Hà Nội cho rằng, Pháp lệnh đã nói rất rõ, lãnh đạo từ cấp phòng trở lên phải kê khai tài sản. Sau khi thành phố tiếp nhận giải trình của ông Sơn thì theo quy trình, sở Nội vụ Hà Nội sẽ xử lý vụ việc. Ông Long tiết lộ thêm thông tin, UBND thành phố đã có chỉ đạo sở Nội vụ xác minh, làm rõ vụ việc giám đốc Sơn đánh nhân viên phục vụ sân golf và báo cáo thành phố. |
Quốc Triều - Anh Văn