Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện nay (26/2), bộ phận không khí lạnh đã báo đang di chuyển xuống phía Nam. Khoảng chiều tối và đêm 26/2, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Gió Đông Bắc trong đất liền mạnh dần lên cấp 2-3, vùng ven biển cấp 3.
Đặc biệt khu vực phía Đông Bắc Bộ trời tiếp tục rét đậm, có nơi rét hại; khu vực phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời tiếp tục rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ phổ biến từ 11-13 độ, khu vực vùng núi phía Bắc từ 8-11 độ, vùng núi cao có nơi dưới 7 độ.
Dự báo ngày mai (27/2), do không khí lạnh lấn sâu, miền Bắc có rét diện rộng, khu vực Đông Bắc Bộ trời rét đậm, vùng núi rét hại, trời tiếp tục có mưa nhỏ rải rác. Hà Nội ngày mai mưa nhỏ, mưa phùn, trời rét đậm.
Đáng lưu ý, cuối tuần (khoảng ngày 1-2/3), một đợt không khí lạnh mạnh tiếp tục tràn xuống gây rét đậm, rét hại ở miền Bắc. Thời tiết chủ đạo trong cả tuần này tại khu vực là rét buốt, mưa nhỏ. Một số mô hình dự báo thời điểm rét đỉnh điểm trong tuần này ở Hà Nội là ngày 27/2 và ngày 2/3, mức nhiệt chỉ dao động 12-16 độ C. Rét đậm bao trùm suốt cả ngày kèm theo mưa rải rác gây cảm giác giá buốt.
Trên biển: Vùng biển phía Đông Bắc của Bắc Biển Đông tiếp tục có gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động; sóng biển cao từ 2,0-4,5m. Vùng biển từ Ninh Thuận đến Cà Mau, phía Tây khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao 2,0-3,5m; biển động. Từ gần sáng 27/02, vùng biển phía Bắc vịnh Bắc Bộ có gió Đông Bắc mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao 1,0-2,5m; biển động.
Từ chiều tối và đêm 26-27/2, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, mưa nhỏ rải rác; khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác.
Rét đậm, rét hại có khả năng ảnh hưởng tới gia súc, gia cầm; ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Mưa dông kèm theo các hiện tượng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh có thể gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, làm gãy đổ cây cối, hư hại nhà cửa, các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng.
Tổng quan thời tiết tháng 2/2024
Không khí lạnh trong tháng 2 dự báo có xu hướng giống như tháng 1 về tần suất và cường độ. Các đợt mưa vừa, mưa to vẫn tiếp tục có khả năng xảy ra tại khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ.
Ngoài ra, số ngày mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ trong mùa Đông Xuân 2023-2024 có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm. Đáng chú ý, tại khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng sẽ xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: Dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trong các đợt gió mùa Đông Bắc tràn xuống..
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay trong tháng 2/2024, tổng lượng mưa tại khu vực Bắc Bộ có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm; trong đó tổng lượng mưa tháng Hai phổ biến cao hơn 20-50mm, tháng Ba phổ biến cao hơn 40-80mm.
Tại khu vực Trung Bộ, tổng lượng mưa trong tháng 2/2024 phổ biến từ 15-30mm, riêng khu vực từ Hà Tĩnh - Quảng Nam phổ biến từ 40-80mm.
Đối với khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, tháng 2/2024, thời tiết phổ biến ít mưa. Tổng lượng mưa tháng Hai tại các khu vực này phổ biến khoảng từ 15-30mm (thấp hơn 5-15mm so với trung bình nhiều năm).
Nắng nóng có khả năng xuất hiện sớm tại khu vực Nam Bộ (tập trung ở miền Đông), khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ. Số ngày nắng nóng ở các khu vực có khả năng cao hơn các năm. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, dự báo tháng 2/2024 ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, do vậy tình trạng khô hạn có thể kéo dài trong thời kỳ này.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 2-4/2024, trên phạm vi toàn quốc, nhiệt độ trung bình phổ biến cao hơn khoảng 1-1,5 độ C so với trung bình nhiều năm.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 2-4/2024 ít có khả năng xuất hiện mưa trái mùa, do vậy tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong thời kỳ này.
Trúc Chi (t/h)