Dự báo đợt không khí lạnh sắp tới
Cơ quan khí tượng cho biết, không khí lạnh sẽ bắt đầu hoạt động từ tháng 9 - tháng 10 và xu hướng gia tăng tần suất và cường độ mạnh dần từ tháng 11.
Dù không khí lạnh được dự báo bắt đầu xuất hiện từ tháng 9, nhưng nhiệt độ trung bình tháng 9 - tháng 10 trên cả nước phổ biến cao hơn so với TBNN từ 0,5 - 1 độ C; tháng 11 phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình năm (TBNN) cùng thời kỳ.
Từ tháng 12/2024 - tháng 2/2025, không khí lạnh tiếp tục gia tăng cường độ, tần suất. Hiện tượng rét đậm, rét hại diện rộng ở miền Bắc có khả năng xuất hiện vào nửa cuối tháng 12 (tương đương so với TBNN).
Cảnh báo trong tháng 1 và tháng 2/2025 rét đậm, rét hại tiếp tục xuất hiện trên diện rộng ở các tỉnh miền Bắc. Cần đề phòng khả năng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kéo dài khoảng 5 - 8 ngày, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá ở vùng núi khu vực Bắc bộ.
Cần đề phòng khả năng xảy ra những đợt rét đậm rét hại kéo dài khoảng 5-8 ngày, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá, mưa tuyết ở khu vực vùng núi cao Bắc Bộ.
Hà Nội mưa lớn kéo dài
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia dự báo, ngày mai 22/8/2024, thời tiết khu vực Hà Nội tăng nhiệt, nhiều mây, có mưa, mưa lớn kéo dài.
Dự báo tối và đêm mai, thời tiết Hà Nội độ ẩm cao, mưa rải rác. Nhiệt độ dao động trong khoảng 26-27 độ, không thay đổi so với đêm hôm trước. Độ ẩm trung bình phổ biến 86-92%; mật độ mây 100%.
Năm nay nhận định bão xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm
Dự báo từ tháng 9-11/2024, hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông xấp xỉ hoặc cao hơn trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm là 5,9 cơn), trong đó số cơn đổ bộ vào đất liền cao hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm là 2,9 cơn) và tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và các tỉnh thành phía Nam. Đề phòng khả năng bão, áp thấp nhiệt đới hình thành ngay tại Biển Đông.
Bão hoạt động nhiều trên biển Đông từ tháng 9 đến tháng 11/2024
Cảnh báo cuối năm cả nước mưa nhiều hơn mọi năm
Dự báo diễn biến về diễn biến mưa, tổng lượng mưa ở khu vực Bắc Bộ từ tháng 9-10/2024 phổ biến cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 10-30%.
Tháng 11/2024, khi bắt đầu chuyển sang mùa đông, tổng lượng mưa phổ biến thấp hơn từ 10-30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Ở Trung Bộ, mùa mưa bão bắt đầu từ tháng 9 và kéo dài đến cuối năm, từ tháng 9-11/2024, tổng lượng mưa phổ biến cao hơn 10-30% so với trung bình nhiều năm.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ từ tháng 9-11/2024 cũng có mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm cùng thời kỳ từ 5 - 20%. Do mưa bão nhiều, dự báo tình hình lũ lụt cuối năm nay cũng diễn biến phức tạp. Đặc biệt là ở Trung Bộ, Tây Nguyên.
Khu vực Bắc Trung Bộ: Dự báo thời tiết từ nửa cuối tháng 8 đến tháng 11/2024, các sông ở Thanh Hóa xuất hiện 2-3 đợt lũ; các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh xuất hiện 3-4 đợt lũ. Mực nước đỉnh lũ hạ lưu sông La, sông Mã dao động ở mức báo động 1, hạ lưu sông Cả ở mức báo động 1 - báo động 2.
Khu vực Trung Trung Bộ: Từ tháng 9 đến tháng 11/2024, trên các sông xuất hiện các đợt lũ. Đỉnh lũ trên các sông khả năng ở mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3, nguy cơ cao gập ngập lụt trên diện rộng.
Khu vực Nam Trung Bộ:Cao điểm mùa lũ ở khu vực này sẽ rơi vào tháng 10 - 11/2024, đỉnh lũ các sông ở Bình Định, Khánh Hòa ở mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3; đỉnh lũ các sông chính Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận dao động ở mức báo động 2.
Khu vực Tây Nguyên:Trong nửa cuối tháng 08 đến tháng 11/2024, trên các sông xuất hiện các đợt lũ, đỉnh lũ trên các sông lên mức báo động 2 - báo động 3, có sông trên báo động 3.
Dự báo cụ thể hơn thời tiết trong giai đoạn cuối năm nay
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này với Thanh Niên ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết khi khí quyển đại dương chuyển trạng thái nhanh từ nóng sang lạnh sẽ là yếu tố bất lợi có thể gây ra hệ quả thời tiết xấu ở nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho rằng, hình thế mưa đi kèm với hội tụ gió đông nam hoặc tây nam dày từ tầng thấp lên tầng cao tạo ra mưa trên những khu vực hẹp cấp tỉnh như: Hà Giang, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Sơn La, Điện Biên...
Cường độ mưa rất lớn và xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn nên đã gây lũ quét, sạt lở đất, ngập úng ở nhiều nơi.
"Ngoại trừ đợt mưa do tác động trực tiếp của bão số 2 thì các đợt mưa còn lại thời gian mưa chủ yếu xảy ra vào chiều tối và đêm, do đó thiệt hại cũng lớn hơn do khó khăn trong việc quan sát, ứng phó", ông Khiêm cho biết.
Trúc Chi (t/h)