Có tình trạng này diễn ra bởi việc tìm mua một bộ cảnh phục dạng này hiện đang rất dễ dàng, chỉ cần tìm đúng địa chỉ là loại nào cũng có. Nắm bắt được tâm lý của người dân, luôn tin tưởng hoặc sợ hãi khi thấy công an, cảnh sát nên bọn tội phạm càng dễ dàng lừa đảo, khống chế.
Hàng loạt vụ giả danh công an gây án
Ngày 28/5, TAND thị xã Long Khánh (tỉnh Đồng Nai) đã mở phiên tòa xét xử lưu động, tuyên phạt 12 tháng tù giam với bị cáo Nguyễn Khắc Thiêm (SN 1988, ngụ xã Bàu Trâm, thị xã Long Khánh) về hành vi giả danh công an chặn xe người đi đường cướp tài sản. Theo cáo trạng, từ ngày 16/12/2012 đến ngày 2/1/2013, Thiêm giả danh công an thị xã Long Khánh, mang theo một khẩu súng và một cuốn sổ biên bản tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính ra đường chặn xe đang lưu thông.
Thiêm khai nhận súng là do tự nhặt được, còn biên bản thì lấy cắp tại phòng CSGT công an tỉnh Đồng Nai. Phát hiện xe có dấu hiệu vi phạm giao thông, Thiêm yêu cầu dừng xe đưa tiền mới cho đi. Trong một lần đang tiến hành dừng xe thì Thiêm bị công an bắt giữ. Cũng với thủ đoạn giả danh công an này, ngày 29/4, lực lượng công an đã bắt quả tang Lê Thoại Kỳ (một MC của TT truyền hình Việt Nam tại Phú Yên) và Phan Nguyễn Hoài Nam (học sinh lớp 12, TP. Tuy Hòa) mặc cảnh phục giả danh công an ra đường chặn xe.
Nhiều đối tượng giả danh công an bị cơ quan công an bắt giữ.
Cơ quan CSĐT công an Hà Nội cho biết đang phối hợp với công an tỉnh Bắc Ninh điều tra vụ hiếp dâm tập thể và cướp tài sản. Nạn nhân là chị H.M.A. (SN 1994, công nhân khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh). Khoảng 23h ngày 21/5, chị đi xe máy ra khu công nghiệp Yên Phong chơi, có hai đối tượng tự xưng là công an đòi kiểm tra giấy tờ của chị. Sau đó bọn chúng yêu cầu chị lên xe, chở về cánh đồng xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội. Tại đây, hai đối tượng này đã dùng dao đe dọa, thay nhau hãm hiếp chị A... Trước khi bỏ đi, chúng còn cướp đi của chị một xe máy, một nhẫn vàng, và một dây chuyền vàng.
Cũng với thủ đoạn giả danh công an, đối tượng Bùi Đình An (SN 1982, ngụ tại xã Kim Tiến, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) đã lừa đảo tài sản của một số người dân ở Thanh Hóa và các tỉnh phía Bắc. Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận, từ năm 2012, An đã mua một bộ cảnh phục với hàm Thiếu tá và 4 còng số 8 ở chợ trời, giả danh là cán bộ điều tra của cục Cảnh sát điều tra tội phạm và tệ nạn ma túy bộ Công an đang trên đường đi phá án. Qua quen biết với chị Nguyễn Thị H. (ngụ huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa), An đã đến nhà chị H. nói là đang trên đường vào Nghệ An phá án ma túy thì hết tiền, nên vay chị H. 2.200.000 đồng. Sau đó, An tiếp tục vay của 5 người khác trên địa bàn huyện Như Xuân với tổng số tiền là 7.500.000 đồng. Chỉ tính trong tháng 9 - 10/ 2012, tại khu vực bến xe Yên Nghĩa (quận Hà Đông, TP. Hà Nội), An đã lừa đảo trót lọt của ba người buôn bán tại đây số tiền là 20.000.000 đồng.
Cơ quan CSĐT TP. Huế cho biết, cuối năm 2012, cơ quan liên tục nhận được đơn tố cáo đối tượng giả danh công an thực hiện hành vi lừa tình và trộm cắp tài sản. Công an TP. Huế nhanh chóng xác lập chuyên án, triển khai các biện pháp nghiệp vụ bắt gọn nghi phạm. Đối tượng giả danh này là Phạm Sơn (SN 1989, trú tại xã Trung Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh). Thủ đoạn lừa đảo của Sơn là dùng một thẻ mạo danh công an, rồi làm quen với các cô gái trẻ nhẹ dạ, mời đi ăn uống, rồi ép vào nhà nghỉ quan hệ tình dục, dùng thủ đoạn cướp tài sản. Trong vòng một tháng, Sơn đã lừa được bốn nữ sinh, lấy trộm nhiều laptop, điện thoại...
Nhiều đối tượng giả danh công an bị cơ quan công an bắt giữ.
Nhận diện thật-giả
Đại tá Nguyễn Đến, trưởng phòng Cảnh sát giao thông (PC67 - Công an TP. Đà Nẵng) cho biết: "Hiện nay trên thị trường bán quá nhiều các trang phục, tư trang giống y như của CSGT từ quần áo, bảng hiệu, ngay cả đến còi, đèn của xe đặc chủng cũng bày bán tràn lan... Đây chính là nguyên nhân để các đối tượng lợi dụng. Do đó các cơ quan chức năng liên quan cần thiết phải vào cuộc để xử lý đối với những cửa hàng bán các mặt hàng này. Có như vậy mới chấm dứt hay hạn chế được các hành vi giả danh của các đối tượng".
Đứng ở góc độ tâm lí, GS.TS Vũ Gia Hiền, chuyên gia tâm lí hội Tâm lý - Giáo dục TP.HCM bày tỏ: "Bọn lừa đảo có rất nhiều thủ đoạn tinh vi, chúng nghĩ ra đủ loại chiêu trò thậm chí ngang nhiên mượn danh lực lượng công an để qua mặt người dân. Bởi từ trước đến nay, người dân rất tin cậy vào uy tín của ngành công an. Lợi dụng sơ hở này, bọn tội phạm đã qua mặt được nhiều người dân một cách dễ dàng".
Thượng Tá Trần Mưu, trưởng phòng PC45, Công an Đà Nẵng cho rằng: "Những đối tượng giả danh cảnh sát thường nắm được tâm lý của người dân có nhu cầu xin việc làm hay khó khăn tìm hướng giải quyết những vấn đề vướng mắc... Do đó chúng thường lân la đến để "giải quyết vấn đề". Với "trang phục" của ngành công an, thậm chí có đầy đủ "giấy tờ"... Để nhận biết giữa cảnh sát thật và giả thì người dân nên hỏi rõ tên tuổi, đơn vị công tác và kịp thời báo cho cơ quan công an nơi gần nhất. Nếu không với "tư trang" đầy đủ của đối tượng thì người dân khó phát hiện được cảnh sát thật hay giả".
Đồng quan điểm trên, GS.TS Vũ Gia Hiền cũng cho rằng: "Để tránh tình trạng nhầm lẫn giữa lực lượng cảnh sát thật và cảnh sát giả danh người dân cần trang bị cho mình những kĩ năng cơ bản về cách làm việc của lực lượng công an. Đối với lực lượng công an chính thống mỗi khi tiến hành tuần tra hay điều tra một vụ việc nào đó thường đi từ hai người hoặc một nhóm người. Xe của lực lượng công an được trang bị phương tiện, dụng cụ nghiệp vụ đầy đủ. Họ thường đi xe mang biển số màu xanh và xuất hiện rất minh bạch. Bên cạnh đó, công an có tư cách đứng đắn, nét mặt nghiêm túc. Căn cứ vào một số đặc điểm nhận diện trên, người dân thấy có người mang quân phục ngành công an tự xưng mình là công an, nhưng nét mặt đằng đằng sát khí, tính tình nóng nảy, hung hăng thì không nên mở cửa cho vào nhà. Thay vào đó, người dân phải nhanh chóng gọi ngay cho cảnh sát 113 hoặc công an khu vực đến hỗ trợ kịp thời".
Đại tá Nguyễn Đến, Trưởng phòng PC67 xác nhận: "Để nhận biết CSGT thật hay giả trên các quốc lộ chính, thì một tổ CSGT có ít nhất phải từ ba người trở lên và phải có phương tiện đặc chủng của ngành (ô tô, xe máy...). Trừ trường hợp được điều đi giải tán đám đông tránh ùn tắc giao thông trên quốc lộ, hay trong khu phố thì có hoặc không có phương tiện đặc chủng...
Còn đối với những chủ xe bị tổ CSGT chặn phương tiện, điều trước tiên chủ phương tiện sẽ được lực lượng CSGT thông báo vi phạm lỗi gì, có hình ảnh vi phạm lỗi và được chụp từ loại máy gì và thời gian... Còn đối với những hình ảnh phổ thông hay trực tiếp xem từ máy ảnh... thì đó là những đối tượng giả danh CSGT. Điều dễ nhận biết nhất là trong một tổ CSGT chỉ có một người được phân công mang công cụ của ngành để dừng xe, trong một tổ, chứ không phải tất cả ai cũng cầm phương tiện chặn xe cả... Những hành vi trên một là CSGT làm sai quy định, hai là giả danh CSGT, trừ trường hợp được điều đi giải tán đám đông tránh ùn tắc giao thông".
Cần xử lý nghiêm minh Thượng tá Nguyễn Văn Phúc, phó trưởng phòng CSĐT tội phạm về TTXH Công an TP. Hội An (tỉnh Quảng Nam) cho rằng: "Công an nhân dân là lực lượng bảo vệ Đảng, Nhà nước, bảo vệ nhân dân. Lực lượng công an góp phần giữ gìn ANTT để xã hội phát triển. Việc một số người lợi dụng uy tín của lực lượng công an thực hiện hành vi vi phạm pháp luật là gây phương hại đến uy tín của ngành công an, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, xâm hại đến các khách thể của luật Hình sự bảo vệ. Những hành vi trên cần ngăn chặn ngay tức khắc, đưa ra xử lý nghiêm minh trước pháp luật, đem lại bình yên cuộc sống của nhân dân. Đồng thời giúp lực lượng công an nâng cao uy tín và niềm tin yêu của nhân dân". |
Lam Giang - Quang Huy