Đó là "phán quyết" Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Công an tỉnh Hà Giang đưa ra sau khi cân nhắc: Nên hay không khởi tố hình sự các đối tượng ăn chặn hơn 181 triệu đồng của Nhà nước hỗ trợ cho trẻ tàn tật!
Trước đó như đã đưa tin, qua xác minh đơn tố cáo công dân, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, chức vụ công an tỉnh Hà Giang phát hiện trong hai năm 2012, 2013, các đối tượng Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật, thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang cùng hai "cộng sự" Nguyễn Thị Lan Anh, kế toán, Trịnh Thu Hương, thủ quỹ đã "ăn bớt" của trẻ khuyết tật hơn 181 triệu đồng.
Ảnh minh họa
Cụ thể tại hồ sơ, cơ quan điều tra đã làm rõ trách nhiệm của từng đối tượng như, ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Trung tâm đã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Trịnh Thu Hương không phát hết số tiền hỗ trợ cho trẻ khuyết tật đến khám sàng lọc năm 2012, 2013 và giữ lại số tiền gần 151 triệu đồng. Tiếp đó, đã chỉ đạo những người liên quan lập chứng từ khống để quyết toán chiếm hưởng số tiền nói trên.
Cạnh đó, trong hoạt động mua sắm trang thiết bị y tế năm 2012 từ nguồn ngân sách tỉnh cấp, ông Thành đã chỉ đạo bà Nguyễn Thị Lan Anh nâng khống giá trị các trang thiết bị để hưởng chênh lệnh với số tiền hơn 31 triệu đồng. Sau khi nhận tiền, ông Thành, bà Nguyễn Thị Lan Anh đã sử dụng tiêu xài vào mục đích cá nhân.
Với số hồ sơ đã được làm rõ, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Hà Giang xác định: "đây là vụ việc có dấu hiệu phạm tội tham ô tài sản", gồm các tình tiết tăng nặng như "phạm tội có tổ chức", "số tiền chi sai và chiếm hưởng với số lượng lớn lên đến 181.950.000 đồng".
Tuy nhiên theo ông Lý Quang Thái, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang thì sau khi nắm được sai phạm của cán bộ, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang ngày 4.10.2013 đã có công văn gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Giang đề nghị "không khởi tố vụ án hình sự đối với các cá nhân sai phạm liên quan đến vụ việc nêu trên và chuyển hồ sơ để Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xử lý cán bộ theo thẩm quyền".
Về công văn này, ông Thái giải thích, "Hà Giang là tỉnh nghèo, có rất nhiều trẻ em tàn tật cần được hỗ trợ. Nếu cơ quan điều tra khởi tố hình sự, tôi sợ các tổ chức, cá nhân sẽ biết chuyện, không hỗ trợ cho nữa". Và "để góp phần ổn định chính trị tại địa phương, Sở đã có văn bản đề nghị cơ quan điều tra không khởi tố hình sự các đối tượng nói trên", ông Thái nói.
Và không giống quyết tâm đẩy lùi nạn tham ô, tham nhũng mà Đảng, Nhà nước đang thực hiện, ông Thái khẳng định: "Những người đó có tội thì rõ rồi. Nhưng vì...đại cục, vì cái to lớn hơn nên hai ngành kiểm sát, công an đã họp, thống nhất không khởi tố hình sự như chúng tôi đã đề nghị. Đồng thời họ cũng đã có văn bản trả lời, bàn giao hồ sơ để chúng tôi có biện pháp xử lý hành chính đối với những người sai phạm".
Sẽ xử lý kỷ luật người tố cáo
Mặc dù đã có cử chỉ "rộng lượng" đối với những đối tượng ăn chặn tiền hỗ trợ trẻ tàn tật, nhưng ông Lý Quang Thái, Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Giang lại có thái độ khá nghiêm khắc đối với người tố cáo. Bởi như ông Thái nói, thì lãnh đạo Sở đã xác định được "tác giả" của lá đơn tố cáo.
"Đây là một cán bộ từng công tác tại Trung tâm này, nhưng sau đã được chuyển sang làm phó ở một đơn vị khác. Người này gửi đơn tố cáo đến Công an, Thanh tra tỉnh chứ không gửi qua Sở. Nếu gửi qua Sở, chúng tôi đã xử lý chứ không để đến mức thế này. Sau khi xử lý ba cán bộ sai phạm, chúng tôi sẽ xử lý cô này vì vi phạm điều đảng viên không được làm", ông Thái nói.
Theo Nhân dân