PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng xung quanh vấn đề trên.
PV: Vừa qua, BCH Đảng bộ tỉnh Thanh Hoá bỏ phiếu, thống nhất hình thức kỷ luật khiển trách đối với ông Ngô Văn Tuấn, nguyên Giám đốc sở Xây dựng, hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, do ban hành các quyết định bổ nhiệm “thần tốc” bà Trần Vũ Quỳnh Anh. Tuy nhiên, hình thức kỷ luật của BCH Đảng bộ Thanh Hóa dường như không thuyết phục được dư luận. Cá nhân ông đánh giá thế nào về mức kỷ luật trên?
Ông Vũ Quốc Hùng: Theo tôi, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa cần phải xem lại hình thức kỷ luật này. Những vấn đề liên quan đến ông Ngô Văn Tuấn đã được chỉ rõ, nhưng chỉ kỷ luật với hình thức khiển trách là chưa thỏa đáng.
Việc ông Tuấn nhận cô Quỳnh Anh về sử dụng, đào tạo, rồi cuối cùng bị khai trừ khỏi Đảng như vậy thì phải xác định trách nhiệm rõ ràng.
PV: Một trường hợp khác là về ông Nguyễn Phong Quang, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Theo kết luận của UBKT TƯ. Ông này để cấp dưới làm trái các quy định về quản lý tài chính, tài sản; để ngoài sổ sách kế toán số tiền trên một trăm tỷ đồng... Theo ông, với sai phạm như vậy, sau kỷ luật về mặt Đảng, liệu ông Quang có chịu các hình thức xử lý tiếp theo?
Ông Vũ Quốc Hùng: Phải căn cứ vào hồ sơ để xem xét, nếu những sai phạm ấy mang tính chất tội phạm rồi thì các cơ quan pháp luật phải xem xét. Trong quá trình vừa qua đã có nhiều vụ như thế. Đầu tiên Đảng xem xét, sau đó các cơ quan chức năng tiếp tục xử lý.
Trước đây, trong các vụ Năm Cam, Thủy cung Thăng Long, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ đường dây 500 kV... những cán bộ sai phạm đều bị xử lý theo trình tự đó.
Trong vụ ông Nguyễn Phong Quang, chúng ta cần đối chiếu vào luật Phòng, chống tham nhũng, Bộ luật Hình sự để đảm bảo tính nghiêm minh, công bằng không để lọt những người có tội. Đây đang là tinh thần mà Đảng ta triển khai.
PV: Có ý kiến cho rằng, việc “cảnh cáo”, “khiển trách” hay “thuyên chuyển công tác” các cán bộ sai phạm sẽ không thể bù đắp được thiệt hại mà Nhà nước và nhân dân phải gánh chịu. Liệu các hình thức kỷ luật đó có phải là biểu hiện của việc xử lý “trên nhẹ dưới nặng”?
Ông Vũ Quốc Hùng: Đúng là lâu nay có hiện tượng xử lý “nhẹ trên nặng dưới”. Tuy nhiên, thời gian gần đây, những việc xử lý cán bộ sai phạm được làm rất rốt ráo, là dấu hiệu vui để người dân tin tưởng không thể có tình trạng như trên tiếp tục xảy ra.
Nhiều cán bộ ở Trung ương làm sai cũng bị xử lý. Điển hình là trường hợp nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, về hưu rồi nhưng khi phát hiện, có sai phạm vẫn bị xử lý.
Tiếp đó là việc 4 cá nhân nguyên là lãnh đạo bộ Tài nguyên và Môi trường bị kỷ luật do đã có những vi phạm liên quan đến dự án Formosa Hà Tĩnh...
Trước đó, ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng thanh tra Chính phủ cũng đã bị yêu cầu kiểm điểm, thu hồi nhà đất. Điều này thể hiện sự công bằng trước pháp luật. Người ở cấp càng cao càng phải xử lý nghiêm vì sai phạm của họ sẽ gây ảnh hưởng rất lớn.
Chúng ta phải làm tới cùng, xử đúng người đúng tội và tội tới đâu thì xử tới đó. Nếu làm thất thoát ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng tới lợi ích của nhân dân mà chỉ kiểm điểm, cho nghỉ hưu... thì mới chỉ nửa vời, nhân dân chưa tin.
Nếu sai phạm, ngoài xử lý về mặt Đảng còn xử lý về mặt pháp luật nữa. Để xảy ra sai phạm nghiêm trọng thì cơ quan chức năng phải vào cuộc.
Công cuộc này không thể làm nửa vời mà phải làm tiếp, làm quyết liệt, làm tới cùng để gây dựng lòng tin trong nhân dân.
Tôi luôn có niềm tin và hy vọng. Ý chí của Đảng, Nhà nước rất rõ ràng, vấn đề chỉ còn ở những người thực thi mà thôi.
Người nào không có năng lực thì nên thay, còn người nào đi chống tham nhũng mà lại tham nhũng thì phải xử lý. Người chống tham nhũng phải là người có bàn tay sạch.
PV: Xin cảm ơn ông!