"Không làm đến nơi đến chốn rất dễ tạo tác dụng ngược"

"Không làm đến nơi đến chốn rất dễ tạo tác dụng ngược"

Thứ 5, 27/12/2012 23:42

PV đã có cuộc trao đổi với nhà thơ Lại Hồng Khánh, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội về tính hiệu quả của chỉ thị 11 CT/TU trong thực tiễn.

Nên làm rõ hơn việc thanh tra, kiểm tra sẽ tiến hành như thế nào

Trước yêu cầu lập đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm Chỉ thị nếp sống văn minh trong cưới hỏi của UBND TP. Hà Nội, ông đánh giá như thế nào về việc làm này?

Trước hết, tôi phải khẳng định rằng, việc Thành ủy Hà Nội có những biện pháp nhằm đôn đốc thực hiện có hiệu quả "Chỉ thị thực hiện nếp sống văn minh trong cưới hỏi" là hết sức đáng hoan nghênh. Trên thực tế, nhiều đám cưới của con em cán bộ, đảng viên đã thực hiện nghiêm theo chỉ thị đó. Điều này cho thấy, tinh thần của Nghị quyết TW 4 về lập lại kỷ cương đã bắt đầu đi vào đời sống.

Việc đẩy mạnh kiểm tra giám sát là hoàn toàn đúng đắn. Nó sẽ siết chặt hơn nữa những quy định cho một nếp sống văn minh, lành mạnh trong xã hội. Một mặt, việc giám sát sẽ giải quyết được sự lợi dụng chức quyền để tham ô lãng phí, và cũng để lấy lại niềm tin trong nhân dân đối với đội ngũ cán bộ trong thời đại mới. Mặt khác, yêu cầu kiểm tra giám sát như vậy cũng thể hiện quyết tâm nói đi đôi với làm.

Tuy nhiên, theo tôi, cần phải làm rõ hơn nữa việc thanh tra kiểm tra sẽ tiến hành như thế nào và cần nêu đích danh người thực hiện. Chúng ta không nên giao cho bộ phận nọ, giao cho bộ phận kia để rồi thực hiện một cách thiếu nhất quán, qua loa cho xong được. Đặc biệt, việc xử lý bằng pháp luật đối với các trường hợp vi phạm ở đây cụ thể là như thế nào? Không thể nói một cách chung chung đại khái để người khác có cơ hội lách luật được. Phải xem xét việc xử phạt ở đây là hình sự, dân sự hay hành chính? Điều này nên làm rõ để khi áp dụng không mắc phải những sai lầm.

Nhịp sống - 'Không làm đến nơi đến chốn rất dễ tạo tác dụng ngược'

Ông Lại Hồng Khánh.

Theo ông, khả năng thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, giám sát có mang lại hiệu quả thiết thực?

Tất cả những biện pháp đưa ra phải có hướng thực hiện thực sự khả thi, nếu không sẽ biến thành "đánh rắn giữa khúc", "đầu voi đuôi chuột", ảnh hưởng đến uy danh của người cán bộ. Theo lẽ thường, những cái chưa rõ ràng hoặc chưa làm đến nơi đến chốn rất dễ tạo ra tác dụng ngược và ảnh hưởng nhiều đến lòng tin. Do vậy, phải có chế tài cụ thể và cơ chế để kiểm soát thực hiện quy định của cơ quan nhà nước. Tôi cho rằng, việc ban hành một quy định hay quyết định mới chỉ là hành động ban đầu chưa thể khẳng định hiệu quả ngay. Điều quan trọng là cần phải có sự đồng thuận từ trong ý thức của người thuộc đối tượng áp dụng. Nếu không, nó sẽ nảy sinh rất nhiều vấn đề tiêu cực.

Khi xã hội tương đối đồng thuận với việc đám cưới tiết kiệm, chống xa xỉ thì đó mới chỉ là một lợi thế chứ chưa phải đã thành công. Để đi đến một kết quả như mong đợi còn cần sự vào cuộc từ rất nhiều phía, nhất là các biện pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của bản thân mỗi cán bộ, đảng viên. Làm sao để biến mệnh lệnh thành tinh thần tự nguyện là việc làm tốt nhất.

Theo ông, yếu tố quan trọng nhất để đạt hiệu quả cao trong Chỉ thị này là gì?

Việc kiểm soát một đám cưới thực hiện theo đúng tinh thần mà Chỉ thị đã nêu không phải việc làm quá khó. Đặc biệt với các quan chức, họ thường tổ chức tiệc cưới ở nhà hàng, khách sạn thì lại càng dễ kiểm soát. Tuy nhiên, điều cốt yếu là người có chức có quyền phải luôn coi Chỉ thị như một chuẩn mực để soi vào và thực hiện nghiêm chỉnh. Bản thân những cán bộ này cũng nên coi mình vừa là người thực hiện, vừa là người kiểm tra giám sát hành vi của chính mình. Có như vậy Chỉ thị mới có thể thực hiện một cách có hiệu quả.

Mong muốn “không bao giờ “nói chuyện” với nhau bằng pháp luật, kỷ luật”

Ông quan niệm như thế nào về một đám cưới theo nếp sống văn minh?

Đây không phải lần đầu tiên chúng ta ra quy định về việc thực hiện đám cưới theo nếp sống mới văn minh. Thời chúng tôi còn trẻ, làm đám cưới, bạn bè, anh em trong cơ quan chỉ tặng nhau chiếc khăn, chiếc gương hay chiếc lược mà vẫn vui, vẫn hạnh phúc cho đến tận bây giờ. Hiện nay, lý do chúng ta phải thực hiện đám cưới theo nếp sống mới đã quá rõ ràng. Bởi trên thực tế, nhiều người nhất là những người có chức có quyền thường lợi dụng đám cưới của mình, của con cái mình để mưu lợi việc riêng. Họ đang tự đánh mất sự lành mạnh trong chính bản thân hai từ "đám cưới".

Tôi chợt nghĩ rằng, đến một lúc nào đó, chúng ta lại có được những đám cưới chỉ có tiệc trà, tiệc ngọt, hạt dưa, chè xanh... Đám cưới như thế vừa tiết kiệm cho gia chủ lại vừa tạo ra một không khí nhẹ nhàng ấm cúng cho khách. Chúng ta có thể thay những mâm cỗ cao sang bằng những lời ca tiếng hát, câu chuyện vui. Người đến dự có thể thay những chiếc phong bì nặng trĩu bằng những việc làm hữu ích, thiết thực với cuộc sống của mỗi người. Làm được như vậy thì sự lãng phí đã hạn chế một nửa. Không chỉ là cán bộ, đảng viên mà toàn dân nên hưởng ứng thực hiện Chỉ thị để chúng ta không bao giờ phải "nói chuyện" với nhau bằng pháp luật, kỷ luật nữa.

Xin cảm ơn ông.

Quốc Triều - Dương Thu


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.