Chiều 17/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng.
Tham gia ý kiến, ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) hoàn toàn đồng tình với Nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến ngày 31/12/2024, trong bối cảnh, hiện nay, sức cầu trong nước nói chung còn thấp do vậy giảm thuế giá trị gia tăng sẽ giúp giảm giá dịch vụ, đặc biệt là đối tượng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Từ đó, kích cầu tiêu dùng và kích thích sản xuất. Thứ hai, thời hạn 31/12/2024, cũng là kết thúc năm thực hiện kết toán thuế.
“Tuy nhiên, thực tế khi triển khai Nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng 2% thì mục tiêu là giá hàng hoá cuối cùng khi đến tay người tiêu dùng. Nhưng trên thực tế, số lượng người tiêu dùng được hưởng các quyền lợi ở mức giá này không nhiều, trừ trường hợp mua hàng hóa, dịch vụ mà có hóa đơn chứng từ. Còn phần lớn các dịch vụ, hàng hoá phổ biến lại gần như không có chứng từ. Ví dụ, giá bát phở ăn sáng có thể giảm 2% nếu được áp dụng”, ông Cường nói.
Theo ông Cường, khi đi giám sát các địa phương, đoàn ĐBQH ghi nhận ý kiến đồng tình của địa phương dù điều này có ảnh hưởng đến thu ngân sách. Các địa phương kiến nghị việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng, bởi thực sự có tác động tốt cho phục hồi sản xuất.
Liên quan đến sửa Luật Thuế giá trị gia tăng, ông Cường cho rằng, rất cần cân nhắc nội dung tăng dần thuế suất giá trị gia tăng: “Hiện nay, muốn khuyến khích sản xuất, muốn thúc đẩy tiêu dùng, chúng ta phải giảm thuế. Nhưng đến hết năm 2025, đến năm 2026, thực tăng 10% thì lúc đó sẽ tác động ngược trở lại so với mong muốn thúc đẩy xuất hiện nay”.
Theo ông Cường, so với mặt bằng chung của thế giới là 15%, thuế giá trị gia tăng của Việt Nam còn thấp, nhưng so với nhóm các nước đang phát triển thì đây là mức cao.
“Cải cách thuế theo hướng tăng thuế giá trị gia tăng phải hết sức cân nhắc. Cải cách thuế rất cần, nhưng chúng ta còn dư địa thuế ở nhiều lĩnh vực khác. Điển hình như thuế tài sản khi gần như hiện nay chưa thu được đồng thuế nào. Trong khi đó, thuế tài sản sẽ điều tiết thu nhập, điều tiết hoạt động của các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là nhóm người thu nhập cao, có tài sản lớn…”, ông Cường cho hay.
Ông Cường cũng đề xuất ý kiến liên quan đến các đối tượng chuyển từ nhóm không chịu thuế sang nhóm chịu thuế 5%, điển hình như phân bón và số loại thiết bị máy móc nông nghiệp.
“Nếu tăng thuế lên 10% thì người nông dân phải chịu giá phân bón tăng. Việc tăng thuế thêm 5% những mặt hàng này giải quyết vấn đề gì?", ông Cường băn khoăn và cho biết có lập luận những doanh nghiệp sản phẩm phân bón phải chịu một phần chi phí đầu vào mà không được khấu trừ. Như vậy, nếu tăng thuế thêm 5% thì các doanh nghiệp được khấu trừ và phần chi phí cho doanh nghiệp giảm đi, theo đó, giá phân bón bán ra cũng giảm. Nhưng, ông cho rằng lập luận này không thuyết phục.
Bởi theo ông, phân bón đang bán ra với mức giá không có thuế. Khi tăng thuế thì giá cũng được cộng thêm 5% thuế, như vậy, giá phân bón còn cao hơn, chứ không thể áp thêm thuế mà nói là giá giảm đi.
Bên cạnh đó, ông Cường cũng cho hay, chúng ta mới chỉ sản xuất được khoảng 70% phân bón, còn 30% nhập khẩu. Nếu thuế tăng 5% thì đương nhiên giá phân bón nhập khẩu phải bán cao hơn mức hiện nay. Điều này có thuận lợi là sẽ hạn chế nhập khẩu và khuyến khích doanh nghiệp trong nước sản xuất.
"Nhưng về phía người nông dân, đương nhiên sẽ phải cộng thêm thuế 5%. Doanh nghiệp được khấu trừ nhưng người nông dân phải chịu thuế”, ông Cường phân tích.
Để khắc phục tình trạng mâu thuẫn khi doanh nghiệp sản xuất phân bón phải chịu thuế đầu vào nhưng không được khấu trừ thuế đầu ra, ông Cường đề xuất chuyển thành thuế xuất 0% và đưa vào nhóm được hoàn thuế đầu vào giống như hàng hoá xuất khẩu. Điều này đảm bảo đúng nghĩa “không lấy tiền của nông dân bù cho doanh nghiệp”.
Ông Cường cũng cho rằng, cần giữ nguyên một dịch vụ tài chính ở nhóm đối tượng không thu thuế, đặc biệt là nhóm đối tượng người ta gọi là dịch vụ tài chính phái sinh đang phát triển từ lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán sang các sàn giao dục hàng hoá, hợp đồng tương lai, hợp đồng kỳ hạn… để khuyến khích các loại hình kinh doanh mới.
Bên cạnh đó, ông Cường đặt câu hỏi sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số có thu thuế giá trị gia tăng hay không? Ví dụ sản phẩm là một phần mềm, khách hàng không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài… trong trường hợp này là xuất khẩu dịch vụ và không phải chịu thuế giá trị gia tăng.
Theo ông Cường, phát triển công nghệ số đang rất cần được khuyến khích, vì vậy, các sản phẩm này cũng nên đưa vào đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuế giá trị gia tăng bằng 0 giống như hàng hoá xuất khẩu.
Với thuế dịch vụ vận tải, ông Cường đề xuất ngành đường sắt cần có quy định miễn thuế khi thực hiện chủ trương khuyến khích dịch vụ đường sắt, đường sắt đô thị, đường sắt cao tốc…
Tham gia đóng góp ý kiến vào các quy định khác trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), ĐBQH Phạm Đức Ấn (đoàn Hà Nội) lo ngại vấn đề hóa đơn giả. Đại biểu cho rằng vấn đề hoàn thuế giá trị gia tăng dẫn đến lợi ích rất lớn nên việc làm giả hóa đơn nhằm hoàn thuế gây thiệt hại rất lớn với hàng nghìn tỷ đồng.
“Cần có giải pháp cụ thể hơn đối với vấn đề này, nếu chỉ quy định như dự thảo Luật sẽ khó đạt được mục tiêu phòng, chống làm giả hóa đơn”, ông Ấn cho hay.