Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.
Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế, quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, tình trạng buôn lậu vàng diễn biến phức tạp.
Liên quan đến vấn đề quản lý thị trường vàng, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đặt vấn đề: Giá vàng “nhảy múa” vừa qua thì công tác quản lý như thế nào? Không lẽ cứ để "nhảy múa" như thế? Chưa bao giờ thấy thị trường mà giá vàng tăng, giảm rất đột biến như vậy. Đề nghị làm rõ công tác quản lý Nhà nước trong vấn đề này.
Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng, Chính phủ cần có giải pháp để chấn chỉnh tình trạng chưa bao giờ giá vàng cao như hiện nay, chênh lệch với giá vàng thế giới quá cao. Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng đã có chỉ đạo Ngân hàng để quản lý thị trường vàng nhưng từ khi có chỉ đạo đến nay thì giá vàng ngày càng tăng.
Bà Nga nêu: "Ngân hàng Nhà nước đưa ra đấu thầu vài phiên nhưng giá vàng vẫn tăng đến mức tột đỉnh. Chúng tôi đề nghị cần quản lý chặt chẽ thị trường vàng, cần có bàn tay của nhà nước để can thiệp vào thị trường".
Bà Nguyễn Thị Thanh- Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội băn khoăn, tại sao thị trường vàng lại “nhảy múa” và có thời điểm đạt kỷ lục cao đến 92 triệu đồng/lượng vàng?. Vậy sao lĩnh vực đầu tư tư nhân và đầu tư vàng lại đang có nghịch cảnh như thế?
“Cần đánh giá kỹ và có giải pháp khi doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng cao, tăng trưởng tín dụng tăng thấp trong khi lãi suất giảm, có phải môi trường đầu tư kinh doanh đang có vấn đề. Nguồn vốn đầu tư từ tư nhân còn rất thấp mà đầu tư vào vàng cao. Người dân không yên tâm vào đầu tư sản xuất. Do đó, cần phải phân tích kỹ hơn”, bà Thanh cho hay.
Báo cáo giải trình tại phiên họp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, từ năm 2022 trở lại đây, thị trường vàng trong nước đã bộc lộ những hạn chế, chênh lệch vàng miếng SJC trong nước và quốc tế thường xuyên ở mức cao.
Theo ông Hà, nguyên nhân giá vàng tăng do giá thế giới tăng và nguồn cung trong nước hạn chế, khiến giá vàng trong nước chênh lệch cao so với giá quốc tế.
Về giải pháp, ông Hà nói trước mắt sẽ tăng cung cho thị trường qua việc tổ chức các phiên đấu thầu, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá trong nước và quốc tế.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các chi nhánh 63 tỉnh, thành tăng cường quản lý Nhà nước với thị trường vàng; tiếp tục thanh tra các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có hoạt động kinh doanh vàng miếng…
Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị các Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp để cùng nắm tình hình, thực hiện theo chức năng nhiệm vụ được phân công, kiểm tra giám sát, quản lý thị trường, xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, trục lợi, đầu cơ, đẩy giá. Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với UBND các tỉnh, triển khai công tác quản lý thị trường trên địa bàn.
“Đến hôm nay, giá vàng trong nước đã giảm so với hôm thứ bảy vừa qua. Ngày mai, Ngân hàng Nhà nước sẽ tổ chức phiên đấu thầu tiếp theo", ông Hà nói và cho biết trong tuần này sẽ tổ chức hai phiên thay vì một phiên như trước để tăng cung ra thị trường, đảm bảo ổn định nguồn cung, giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế.
Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo tổng kết Nghị định 24, đề xuất giải pháp quản lý thị trường trong thời gian tới. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành để có thể đề xuất thêm các giải pháp cho phù hợp với tình hình mới, để sửa Nghị định 24 trong thời gian tới.