Theo các chuyên gia y tế, khi nhắc đến các bệnh có liên quan đến thói quen ăn uống thì sán lá gan là bệnh nằm trong nhóm hàng đầu.
Những ai đã từng đôi lần được thưởng thức gỏi cá hẳn sẽ khó quên mùi vị của món ăn đặc biệt này. Nhưng ít ai ngờ rằng ăn gỏi cá là nguyên nhân chính làm mắc bệnh sán lá gan. Điều đáng nói, bệnh này đã có những ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ cộng đồng.
Sán lá gan nhỏ là bệnh do một loại sán có tên là clonorchis sinensis (thường thấy ở các tỉnh phía Bắc) hoặc opisthorkis viverrini (thường thấy ở các tỉnh miền Trung) ký sinh ở ống mật gây nên. Gọi là sán lá gan nhỏ bởi sán trưởng thành chỉ dài 10-20mm và rộng 2-4mm, kích thước này nhỏ hơn nhiều so với kích thước của loài sán lá gan lớn.
Sán lá gan nhỏ ký sinh ở gan gây ra những tổn thương nghiêm trọng, thường xuyên gây kích thích với gan, chiếm thức ăn và gây độc. Về lâu dài, sán lá gan còn gây xơ gan, ung thư gan.
Do sán thường bám chặt vào ống mật, dùng mồm để hút thức ăn nên lâu dần gan sẽ bị xơ hóa lan toả và thoái hoá mỡ. Độc tố do sán tiết ra có thể gây nên các tình trạng dị ứng, đôi khi có thể gây thiếu máu.
Biểu hiện lâm sàng của bệnh sán lá gan nhỏ phụ thuộc nhiều vào cường độ nhiễm và phản ứng của vật chủ. Trong trường hợp nhiễm ít có khi không có triệu chứng gì đặc biệt.
Trả lời báo chí, BS Trần Huy Thọ (Trưởng khoa Khám bệnh chuyên ngành - viện Sốt rét Ký sinh trùng Côn trùng Trung ương) cho biết: “Sán lá gan nhỏ là loại ký sinh trùng có chu kỳ phức tạp bao gồm cả người và vật chủ trung gian (như ốc, cá...). Cách tốt nhất để ngăn chặn sự lan truyền bệnh là phá vỡ ít nhất một khâu trong vòng đời của sán”.
Theo BS Thọ, những loài cá đồng như: Cá chép, cá rô, cá diếc... là các món ăn quen thuộc trong bữa cơm hằng ngày của người dân. Tuy nhiên, những loại cá này đều có thể bị nhiễm sán lá gan nhỏ. Trong trường hợp người dân ăn cá sống như món gỏi cá, hoặc khi cá nấu chưa chín, ấu trùng sán sẽ theo thức ăn vào đường ruột và truyền bệnh cho người.
Biểu hiện của bệnh sán lá gan nhỏ:
- Đau tức mạn sườn bên phải;
- Tắc túi mật, vàng da;
- Sốt.
Người bệnh nên đi khám khi:
- Đau tức mạn sườn phải;
- Ăn kém;
- Rối loạn tiêu hoá.
Phòng bệnh sán lá gan nhỏ:
- Ăn chín, uống sôi;
- Không ăn gỏi cá;
- Không phóng uế, xả thải xuống ao.
N.Giang