Vụ việc 2 "hiệp sĩ" đường phố Nguyễn Hoàng N. (29 tuổi) và Nguyễn Đăng Th. (42 tuổi) tử vong khi truy đuổi nhóm cướp xe SH trên đường Cách Mạng Tháng Tám (phường 10, quận 3) vào đêm 13/5 đang được mọi người rất quan tâm. Đã có nhiều lời chia buồn của người dân gửi tới gia đình các "hiệp sĩ" quả cảm nhưng cũng không ít ý kiến trái chiều. Thậm chí, có thông tin cho rằng đó là hành động dại dột, liều mạng không đáng.
PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc phỏng vấn luật sư Trần Văn Hiếu, đoàn Luật sư TP.HCM về việc có nên khuyến khích hành động bắt cướp của các "hiệp sĩ" đường phố khi họ không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ bắt cướp.
PV: Thưa luật sư, hiện có rất nhiều đội "hiệp sĩ" bắt cướp hình thành tại các tỉnh, thành phố trong cả nước nhằm mục đích chung tay gìn giữ an ninh trật tự, truy bắt tội phạm. Ông nghĩ như thế nào về điều này?
Luật sư Trần Văn Hiếu: Việc hình thành các đội "hiệp sĩ" bắt cướp là điều xã hội rất hoan nghênh. Đơn giản vì họ làm việc trên tinh thần tự nguyện, không tư lợi. Mục đích hành động rất rõ, chính là bắt cướp, những tên tội phạm. Do đó, hành động ấy được khen ngợi ủng hộ.
Thế nhưng, ngoài việc ủng hộ các "hiệp sĩ", chúng ta phải nhìn nhận tình hình xã hội hiện nay có phù hợp không? Ở đây, tôi xin ý kiến riêng của mình. Đối với tình hình xã hội nước ta những năm gần đây, có quá nhiều băng, nhóm cướp lộng hành.
Chúng hành động táo tợn, tấn công người dân tới cùng để cướp tài sản hòng thoát thân khi bị phát hiện. Trong trường hợp này, chúng ta bắt cướp khi không có nghiệp vụ chuyên môn, công cụ hỗ trợ sẽ rất nguy hiểm cho chính mình, thậm chí dẫn đến án mạng.
PV: Khi đối mặt với các băng nhóm cướp manh động, các "hiệp sĩ" cần trang bị những kiến thức gì để vừa hoạt động hiệu quả, vừa đảm bảo được sự an toàn?
Luật sư Trần Văn Hiếu: Trong quá trình hoạt động săn bắt cướp, tôi nghĩ các "hiệp sĩ" cần trang bị rất nhiều kiến thức về pháp luật. Cũng cần phải tuân thủ mọi quy định của pháp luật trong bắt cướp, bắt tội phạm quả tang... nhưng cũng cần bảo vệ chính bản thân không trở thành nạn nhân, đồng phạm của cướp.
Với các tình huống, phát hiện các băng, nhóm cướp manh động nguy hiểm thì nên báo cáo cơ quan chức năng có chuyên môn (lực lượng công an nơi gần nhất) để được phối hợp. Không những thế, chính bản thân các "hiệp sĩ" cũng phải trang bị võ thuật. Không nên liều mình với những đối tượng cướp táo tợn, liều mạng sẽ gây nguy hiểm cho bản thân các "hiệp sĩ" cũng như người đi đường.
Thực tế quá trình bắt cướp, các "hiệp sĩ" không được phép sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ. Qua đó, trong tình huống xấu, chính các hiệp sĩ có thể đối diện với án tù nếu gây thương tích hoặc làm chết tội phạm.
PV: Trong sự việc 2 "hiệp sĩ" tử vong khi bắt cướp vừa xảy ra, luật sư có điều gì khuyên những "người trong cuộc"?
Luật sư Trần Văn Hiếu: Đối với cá nhân tôi, vẫn đứng trên quan điểm bảo vệ quyền lợi người dân, quyền lợi của chính các "hiệp sĩ" và gia đình họ. Các "hiệp sĩ" bắt cướp là hành động tốt nhưng không phải hành động nào cũng đem lại kết quả theo mong muốn. Trong tình huống 2 "hiệp sĩ" tử vong, thật là đáng tiếc.
Có thể trong quá trình truy bắt cướp, các "hiệp sĩ" đã thiếu một phần chuyên môn, nghiệp vụ, mà việc đào tạo nghiệp vụ bắt cướp lại thuộc về các đơn vị chức năng, cơ quan công an.
Tôi cho rằng, để quản lý tốt tình hình trật tự trị an trong xã hội thì Nhà nước phải có chính sách pháp luật, tăng cường mạnh mẽ lực lượng cảnh sát đặc biệt, cảnh sát tuần tra... Chúng ta không nên khuyến khích phong trào trấn áp tội phạm bằng hình thức nghĩa hiệp.
PV: Với sự hy sinh tính mạng trong quá trình bắt cướp của các "hiệp sĩ" như trên, pháp luật có quy định gì về khen thưởng không, thưa luật sư?
Luật sư Trần Văn Hiếu: Việc phong các danh hiệu gương sáng quả cảm, dũng cảm,... cho các cá nhân, tập thể trong công cuộc xây dựng, bảo vệ an ninh đất nước... vẫn đang được Nhà nước ta thực hiện. Tùy vào từng trường hợp để áp dụng mức khen thưởng gồm: Giấy khen, bằng khen, huy hiệu, tiền mặt...
Xin cảm ơn luật sư!