Một trong những tục không thể thiếu trong lễ cúng ông Công ông Táo là thả cá chép. Tuy nhiên mấy năm trở lại đây, sau mỗi dịp 23 tháng Chạp, trên nhiều mặt hồ lại nổi lềnh phềnh những túi nilon, thậm chí cá chết nổi trong túi do người dân quẳng cả túi cá xuống hồ mà không thả đúng cách.
Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng nên bỏ tục thả cá chép ngày ông Công ông Táo. Quanh chuyện nên hay không nên, PV báo Người đưa tin đã có cuộc trao đổi với sư thầy Thích Minh Quang, trụ trì chùa Địa Tạng (huyện Bình Lục, Hà Nam) về vấn đề này.
Thưa sư thầy, thầy có thể cho biết ý nghĩa của tục thả cá chép ngày ông Công ông Táo?
Đây là tập tục của tín ngưỡng dân gian chứ không phải là truyền thống bên Phật giáo chúng tôi. Người xưa quan niệm, cá chép là phương tiện để ông Công ông Táo cưỡi lên chầu Ngọc Hoàng để tâu trình những công việc xảy ra trong một gia đình. Người ta cúng cá chép để ông Công ông Táo có thể châm chước cho những lỗi mà gia chủ mắc phải trong một năm, đồng thời cầu chúc một năm mới tốt lành, vạn sự như ý, nhà nhà ấm no.
Nếu nhìn nhận dưới góc nhìn của Phật giáo, tục này có ý nghĩa gì thưa thầy?
Tín ngưỡng được hình thành từ niềm tin của con người. Theo tôi, ý nghĩa ban đầu của nó là phóng sinh, mang điều lợi lạc may mắn. Người dân thông qua ngày ông Công ông Táo, mượn việc thả cá để tạo phúc theo đúng tinh thần làm phúc để đức cho con, cho cháu. Mục đích tối thượng nhất của tục thả cá là để bảo vệ nguồn sống, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp. Đây cũng là ý nghĩa cao đẹp của hành đọng phóng sinh theo tinh thần nhà Phật.
Mấy năm gần đây, tục thả cá chép ngày ông Công ông Táo bị biến tướng gây mất mĩ quan đô thị, gây ô nhiễm môi trường. Chúng ta có nên bỏ tục này hay không, thưa thầy?
Tôi nghĩ rằng ngày ông Công ông Táo là một trong những ngày để con người hướng thiện. Tôi không ủng hộ chủ trương bỏ tục này vì đó là nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc. Vả lại tập tục tuy hay nhưng cách thực hiện của nó không hay. Chúng ta không nên hô hào duy trì hay bỏ một tục lệ mà không hiểu ý nghĩa của nó.
Thầy có thể phân tích rõ hơn nhận định trên?
Tôi sẽ kể một câu chuyện như sau. Ở một ngôi chùa nọ, có một nhà sư cứ đến giờ tụng kinh là có con mèo đến quấy phá. Thế nên nhà sư sai chú tiểu là cứ đến giờ tụng kinh thì nhốt con mèo lại để nó không quấy phá nữa.
Thế rồi lệ này được duy trì mãi tới nhiều thế hệ các nhà sư sau này. Khi thắc mắc nguyên nhân tại sao cứ nhốt mèo vào giờ tụng kinh, mọi người đều bảo “vì các cụ dạy thế”. Ngày xưa con mèo quấy phá thì chúng ta nhốt lại, nhưng sau này mèo không quậy phá nữa nhưng người ta vẫn nhốt. Tại sao? Vì họ không hiểu ý nghĩa của nó nữa.
Trở lại vấn đề chúng ta đề cập, người ta chỉ biết ngày ông Công ông Táo là thả cá chép chứ đâu biết ý nghĩa của nó. Vì không biết mà hành động sai cũng có thể thông cảm. Đấy là tôi chưa đề cập tới chuyện vứt túi ni lông bừa bãi, tình trạng cá chết ngay khi thả … Nếu như vậy thì chúng ta thả trăm con cá cũng vô ích.
Vậy chúng ta phải làm gì cho đúng với ý nghĩa của tục thả cá chép ngày ông Công, ông Táo, thưa thầy?
Chúng ta trong một năm đã có những hành vi sát sinh và tàn phá môi trường. Thế nên ý nghĩa của tục thả cá là chúng ta phải biết làm việc gì đó, dù nhỏ bé để trả lại môi trường. Nhưng lễ phật ở xa không bằng làm phước ngay gần nhà. Chúng ta không nhất thiết phải thả cá chép mà có thể làm nhiều việc khác ý nghĩa hơn. Ngày đó chúng ta có thể làm mâm cơm đoàn viên, các gia đình dọn dẹp vệ sinh chỗ ở, đường làng ngõ phố, thực hiện hạnh bố thí … Đó mới là việc làm đúng đắn vào ngày ông công ông táo.
Xin cảm ơn thầy
Phạm Thiệu