Sáng 30/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày tờ trình dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học.
Tiếp theo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học.
Trong đó, đánh giá về chính sách học phí, lộ trình tăng học phí trong thời gian qua, bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, “mức học phí vẫn còn thấp, chưa phù hợp với chi phí đào tạo thực tế của các nhóm ngành và các loại hình, trình độ đào tạo”.
Do vậy, theo dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Giáo dục đại học, để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong đào tạo đại học cần thay đổi cách phân bổ kinh phí, tạo cơ chế để các trường tự chủ được xác định mức học phí hợp lý, tương xứng với chất lượng đào tạo.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, khái niệm “học phí” cũng cần thay đổi để phù hợp với các văn bản pháp luật mới được ban hành, thay vào đó cần sử dụng khái niệm “giá dịch vụ đào tạo”.
Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra dự án luật này, về tài chính, tài sản, đa số ý kiến thành viên Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cơ bản nhất trí với các quy định về việc đa dạng hóa các nguồn tài chính của cơ sở, tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ. Nhưng phần lớn các thành viên lại không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo”.
Theo Ủy ban: "Việc sử dụng khái niệm học phí vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục". Do đó, Ủy ban cũng đề nghị cân nhắc khi sử dụng khái niệm học phí.