Tại Syria, việc quân đội Mỹ rút quân đã để lại cho Nga đóng vai trò là nhà môi giới quyền lực tối thượng, cho phép nước này đàm phán một thỏa thuận tiềm năng giữa Tổng thống Syria Bashar Assad và lực lượng người Kurd đang bị Washington bỏ rơi.
Và tại Ukraine, nơi Tổng thống Volodymyr Zelenskiy nhận ra mình bị lôi kéo vào cuộc chiến chính trị của Mỹ, Nga có thể sử dụng sự biến động này để thúc đẩy một thỏa thuận nhằm bảo đảm đòn bẩy của mình đối với nước láng giềng phía Tây.
Đột phá ở Syria
Cuộc tấn công của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria đã đi cùng với quyết định rút quân khỏi khu vực của Tổng thống Donald Trump, bỏ lại đồng minh người Kurd từng sát cánh trong cuộc chiến chống khủng bố.
Quyết định bỏ rơi người Kurd đột ngột của Washington trái ngược hoàn toàn với sự ủng hộ không ngừng của Moscow đối với chính quyền Tổng thống Assad, giúp Damascus đòi lại phần lớn lãnh thổ của đất nước trong cuộc chiến tàn khốc kéo dài.
Cùng với sức mạnh quân sự, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã dựa vào ngoại giao để đạt được mục tiêu của mình ở Syria, tiếp cận với các cường quốc khu vực - từ Iran đến Saudi Arabia, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ.
Thành viên NATO Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành đối tác đặc biệt quan trọng đối với Nga. Mặc dù hai nước ủng hộ hai bên đối lập trong cuộc xung đột Syria, nhưng cả hai đã nỗ lực đàm phán giảm leo thang ở Idlib và cùng nhau bảo trợ cho việc thành lập một ủy ban hiến pháp mới.
Mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ gia tăng giữa lúc quan hệ của Ankara với Washington ngày càng trở nên lạnh nhạt và càng căng thẳng hơn xoay quanh thương vụ mua S-400 gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria – vốn đã thu hút sự chỉ trích gay gắt từ Liên minh châu Âu và Mỹ - giờ đây có thể đẩy Moscow và Ankara lại gần hơn nữa.
"Nga muốn hưởng lợi từ hoạt động đó và một trong những lợi ích có thể là tăng cường mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ", chuyên gia Kirill Semenov thuộc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga nhận định.
"Phản ứng gay gắt từ Washington, phản ứng của EU, lời đe dọa trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ đều đưa lợi ích vào tay Nga bằng cách khiến Moscow và Ankara càng gần hơn."
Nga cũng có một mục tiêu khác ở Syria, đó là môi giới cho một cuộc đối thoại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Chính phủ Assad, một viễn cảnh mà Ankara từng phản đối mạnh mẽ trong quá khứ.
"Sẽ tốt cho Nga khi đưa Ankara và Damascus lên bàn đàm phán và để Ankara thừa nhận tính hợp pháp của chính quyền ở Damascus, hay hơn nữa là chính Tổng thống Assad", chuyên gia Semenov nói.
Bước tiến ở Ukraine
Trong một trò chơi quyền lực khác, Nga hy vọng sẽ thấy được những thành công lớn trong nỗ lực duy trì đòn bẩy đối với nước láng giềng Ukraine, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ đang tìm cách liên kết với phương Tây.
Vào năm 2014, Nga sáp nhập bán đảo Crimea, khiến các lệnh trừng phạt của phương Tây được áp đặt. Cùng với đó, cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine càng khiến tình hình trở nên căng thẳng.
Tổng thống Zelenskiy, người chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 4 vừa qua từng tuyên bố sẽ kết thúc cuộc xung đột kéo dài ở nước này. Đầu tháng 10, Ukraine, Nga và phiến quân ly khai đã ký một thỏa thuận dự kiến để tổ chức các cuộc bầu cử địa phương - một bước đi mà ông Zelenskiy khẳng định tuân thủ thỏa thuận hòa bình năm 2015 được Pháp và Đức làm trung gian.
Tuy nhiên, thỏa thuận đã bị một số quan điểm ở Ukraine chỉ trích là "đầu hàng" Moscow. Đầu tuần này, các nhóm cực hữu và dân tộc chủ nghĩa đã tổ chức một cuộc biểu tình lớn ở Kiev để phản đối kế hoạch hòa bình của ông Zelenskiy.
Vị thế của tổng thống Ukraine càng trở nên suy yếu bởi sự phẫn nộ chính trị ở Mỹ, nơi đảng Dân chủ tại Quốc hội đang tiến hành một cuộc điều tra luận tội liên quan đến cuộc điện đàm giữa ông với Tổng thống Trump.
Trong cuộc gọi ngày 25/7, Tổng thống Trump đã thúc giục nhà lãnh đạo Ukraine mở một cuộc điều tra tham nhũng đối với đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden và con trai nhân vật này.
Vụ việc đã gây ra sự bối rối cho Tổng thống Ukraine vì nó cho thấy ông mong muốn làm hài lòng người đồng cấp Trump trong khi không quan tâm đến các đối tác châu Âu vốn có sự hỗ trợ mà ông cần để chấm dứt xung đột ở phía Đông.
Trong lúc vị thế của ông Zelenskiy suy giảm trong vụ bê bối, điều này nó sẽ là lợi ích của Nga bởi nó làm xói mòn sự hỗ trợ cho Ukraine ở Đức và Pháp.
"Pháp và Đức đã trở nên mệt mỏi với Ukraine và quá bận rộn với các vấn đề của riêng họ. Mục tiêu duy nhất họ mong muốn lúc này là khép lại vấn đề chiến tranh ở phía Đông bằng mọi cách", Vadim Karasev, người đứng đầu Viện Chiến lược Toàn cầu nhận định.
"Nếu Nga đưa ra một thỏa hiệp, Berlin và Paris sẽ thở phào nhẹ nhõm. Bằng cách công khai qua mặt Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, ông Zelenskiy đã gỡ bỏ sự ràng buộc của họ và sẽ không còn sự hỗ trợ thiện chí nào từ hai quốc gia này”.
Vào tháng 6, Pháp đã giúp phái đoàn Nga trở lại Hội đồng Nghị viện của Hội đồng Châu Âu, 5 năm sau khi bị tước bỏ vì sáp nhập Crimea. Ông Macron cũng đã nói về viễn cảnh Nga trở lại nhóm G7.
"Nga là người hưởng lợi chính trong tình huống đó", chuyên gia Karasev nói. "Tổng thống Putin không còn phải chứng minh rằng quan hệ với Ukraine rủi ro và độc hại đến thế nào, khi các chính trị gia Ukraine và Mỹ đã tự tay làm điều đó. Điện Kremlin giờ chỉ cần đợi cho đến khi quả táo Ukraine lành lặn rơi vào lòng, vì Mỹ, Đức và Pháp đều đang phải nếm trải những phần tồi tệ nhất".