'Không phải cảnh nóng nào cũng gợi dục'

'Không phải cảnh nóng nào cũng gợi dục'

Thứ 5, 07/03/2013 14:52

Biên đạo múa vốn là một nghề còn chưa được chú ý ở Việt Nam. Cái tên Tấn Lộc vì thế cũng không mang lại sự quen thuộc đối với khán giả. Anh không phải là ngôi sao hot để đảm bảo một sự thu hút, lôi cuốn nào đó. Nhưng với những người trong nghề, cái tên này lại hoàn toàn ngược lại. Anh là sự đảm bảo cho những thành công trong các gameshow thực tế, trong những bộ phim điện ảnh Việt Nam hoành tráng, dù rằng đóng góp của anh chỉ là những lặng lẽ, khiêm tốn bên lề ánh hào quang lấp lánh.

Nghề múa không còn quá nghiệt ngã Anh đã đến với nghề múa như thế nào?

Thực ra, bộ môn ban đầu tôi theo học không phải là múa mà là thanh nhạc. Thời đó, trong khi mọi người đua nhau đi học đàn, học hát thì múa vẫn là bộ môn khá mới mẻ ở Việt Nam. Rồi một lần tôi đến lớp múa để xem phần biểu diễn của một cậu bạn. Ngay lập tức tôi bị bộ môn này quyến rũ. Vậy là dứt áo với thanh nhạc để chuyển sang múa. Sau đó, tôi may mắn nhận được một suất học bổng du học sang Nhật. Quả thật, đất nước mặt trời mọc đã mở ra cả một thế giới nghệ thuật rộng lớn trong cuộc đời tôi.

Nhân vật - 'Không phải cảnh nóng nào cũng gợi dục'

Nghệ sĩ múa Tấn Lộc

Là một nghệ sĩ múa nổi tiếng, được nhiều người trong nghề yêu mến, ngưỡng mộ, nhưng dường như anh lại được số đông khán giả biết đến khi trở thành người hướng dẫn phong cách cho các thí sinh Vietnam Idol, điều này là tự nhiên hay mâu thuẫn đối với anh?

Tôi đến với sân khấu Idol và một vài chương trình truyền hình thực tế khác như là những cái duyên trong nghề vậy. Khi bước chân vào con đường nghệ thuật, mình có thêm nhiều mối quan hệ bạn bè. Từ đó có những công việc mà trước đó mình chưa bao giờ nghĩ tới.

Việt Nam, số lượng nghệ sĩ múa nổi tiếng chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nổi tiếng và thành danh lại càng hiếm. Vì vậy mình cũng không quá quan trọng điều đó. Với một môi trường nghệ thuật như Việt Nam, một nghệ sĩ múa sống được với nghề, được làm nghề một cách thực sự đã là một may mắn lớn.

Nghề múa vốn được cho là có thu nhập bèo bọt. Không ít nghệ sĩ múa đã phải kiếm nghề tay trái như một cách lấy ngắn nuôi dài, lấy sở đoản để nuôi sở trường?

Nghề múa không nghiệt ngã như bạn nghĩ đâu. Dù thực tế, thu nhập hay ánh hào quang không lấp lánh bằng những nghề khác như ca sĩ, diễn viên, người mẫu. Tôi không biết ở miền Bắc như thế nào, nhưng ở miền Nam, đặc biệt những học trò tôi dạy, các em rất chịu khó chạy show. Vào mùa vụ, có nhiều đám cưới hay đám hỏi, trung bình mỗi tháng các em kiếm được không dưới 15 - 20 triệu đồng. Dĩ nhiên, việc múa ở những sân khấu như thế, các nghệ sĩ khó có thể thể hiện được nhiều kĩ thuật, thậm chí nhiều người nghĩ rằng nó kém phần trang trọng. Nhưng một khi đã xác định phải sống lâu và gắn bó với nghề thì đó hoàn toàn là một công việc tốt. Làm nghệ thuật, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể đứng trên những sân khấu lung linh, hoành tráng. Phải nếm trải ở những nơi như thế để quý hơn những giây phút được làm nghề thực sự và thăng hoa với nghệ thuật.

Nhưng nghĩ đến cùng, nghệ thuật là vinh quang nhất nhưng cũng nghiệt ngã nhất. Bạn bè anh, đã có ai vì chán nản mà phải bỏ nghề không?

Có chứ. Tôi có bốn người bạn chơi rất thân. Ngày xưa, chúng tôi từng hợp thành một nhóm múa. Nhưng hiện tại chỉ có mình tôi là vẫn theo đuổi với nghề. Hai trong số ba người còn lại đã hoàn toàn quay lưng với nghệ thuật. Người thứ ba cũng có chút liên quan, nhưng lại thiên về công tác quản lý. Tôi nghĩ, với nghệ thuật, chỉ có tài năng thôi chưa đủ. Anh phải có cái duyên sâu sắc thì mới gắn bó lâu dài được.

Thể loại đương đại được xem là đỉnh cao của múa nhưng không phải người Việt Nam nào cũng đủ sức để cảm thụ nó. Vậy mà mới đây, vở diễn Sương sớm của anh đã thực sự làm nhiều khán giả thích thú lẫn ngạc nhiên. Anh đã làm như thế nào để đánh trúng sở thích của công chúng Việt?

Với múa, đặc biệt là múa Đương đại, rất khó để có thể nuông chiều theo ý thích của khán giả. Tất cả những gì tôi và ê kip Sương sớm muốn mang đến đó là một đời sống làng quê chân thật, thơ mộng, bình yên mà tràn trề khát vọng. Điểm nhấn là việc sử dụng những yếu tố đặc biệt về âm thanh (với hàng trăm tiếng kêu của côn trùng), cùng các hiệu ứng về thị giác, khứu giác, ngôn ngữ hình thể. Trong con mắt của người thành thị, nông thôn vẫn là một cái gì đó nghèo nàn với cuộc sống quá đỗi giản dị. Kỳ thực, ở đó có những khoảnh khắc lãng mạn, thơ mộng mà đời sống thành thị không bao giờ có được. Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên, công việc đồng áng, Sương sớm cũng tái hiện vẻ đẹp tâm hồn của người nhà quê với những đam mê và ham muốn rất đời, rất người.

Nhân vật - 'Không phải cảnh nóng nào cũng gợi dục' (Hình 2).

Một cảnh nóng tinh tế được thể hiện trong vở múa đương đại Sương sớm

Không phải cảnh nóng nào cũng gợi dục

Cảnh nóng xuất hiện trên sân khấu chỉ nhằm mục đích mang đến thông điệp quý giá về cuộc sống hay còn mục đích câu khách nữa?

Không phải mọi cảnh nóng đều nhằm mục đích gợi dục, câu khách. Sương sớm đặt nặng giá trị nghệ thuật, chứa đựng những bức thông điệp quý giá về cuộc sống. Để có 75 phút trên sân khấu, chúng tôi đã phải dành thời gian hàng tháng trời, thậm chí hàng năm. Đó cũng không phải là lối múa giải trí, rườm rà, diêm dúa để chúng tôi phải sử dụng đến các chiêu trò.

Một vở diễn được đầu tư công phu nhưng giá vé lại quá rẻ. Thậm chí, nó chỉ bằng 1/10 so với những chương trình ca nhạc giải trí khác. Anh có buồn về sự chênh lệch này không? Thông điệp anh muốn gửi gắm qua chương trình là gì? 

Dĩ nhiên nghệ sĩ nào cũng phải học cách làm việc và kiếm sống. Bên cạnh việc thoả mãn niềm đam mê nghệ thuật, họ cũng phải biết đá sân để đảm bảo một mức thu nhập nào đó. Nhưng điều quan trọng là phải biết phân biệt và rõ ràng với mọi thứ. Nếu kinh doanh mà đầu tư vào những chương trình kiểu như Sương sớm thì chỉ có lỗ. Chúng tôi xác định ngay từ đầu như thế cho nên tất cả mọi người tham gia đều không lăn tăn gì về mức giá như thế nào, đắt rẻ ra sao. Thành công của chúng tôi là đã mang múa đương đại đến gần hơn với công chúng để họ hiểu hơn về nó. Để thấy rằng múa đương đại không quá trừu tượng hay cao siêu gì quá, mà thực sự rất đẹp, rất gần gũi.

Những người trong nghề đều cho rằng đương đại là đỉnh cao của bộ môn múa. Nhưng một thực tế, đối với mặt bằng hiểu biết của người Việt thì nó vẫn là một thử thách. Chung thuỷ với con đường khó, anh nghĩ gì về lựa chọn của một vài nghệ sĩ khác, ví dụ như Linh Nga? Theo anh cô ấy có phải là một hình mẫu thành công trong nghề múa?

Tôi không nói con đường của mình khó và con đường của những người khác dễ. Mỗi cái đều có mặt trái và mặt phải của nó. Đừng nghĩ rằng để thành danh như Linh Nga là dễ. Thử hỏi Việt Nam có được bao nhiêu nghệ sĩ múa nổi tiếng như cô ấy, nếu không nói là duy nhất. Sẽ có nhiều người cho rằng, đó là nhờ PR, nhưng tôi nghĩ mỗi người đều có quyền lựa chọn cho riêng mình một con đường, một phương pháp để tồn tại và phát triển với nghề. Dĩ nhiên sự thành công của Linh Nga không hẳn là thước đo cho mọi thành công khác. Nhiều người trong nghề không phục cô ấy. Cho rằng cô ấy mượn các điệu múa dân gian Trung Quốc. Điều đó là đương nhiên vì cô ấy vốn được học tập rất lâu ở đất nước đó, làm sao mà không ảnh hưởng được.

Những điệu múa của Linh Nga rất mê hoặc khán giả. Nhưng trong con mắt của những người cùng nghề, nó được nhìn như thế nào?

Bộ môn múa rộng lớn lắm, nó có nhiều thể loại khác nhau. Linh Nga chủ yếu sử dụng các điệu múa dân gian, trong khi múa đương đại lại thuộc một phạm trù hoàn toàn khác. Hai thứ có hai tiêu chí khác nhau thì rất khó để so sánh. Có thể người trong nghề cho rằng, kiểu múa dân gian tuy được lòng khán giả nhưng nó quá quen thuộc, sáo mòn, thiếu sáng tạo. Nhưng với nghệ thuật, việc chinh phục công chúng cũng đã là một thành công lớn.

Cảm ơn biên đạo múa Tấn Lộc!

Tấn Lộc ngại ngùng khi ai đó gọi anh là người nổi tiếng. Bởi với anh, điều đó đôi khi thật phù phiếm. Ở tuổi xấp xỉ 40, thành danh với công việc nhưng anh vẫn đang là người đàn ông độc thân vui vẻ. Điều này từng khiến anh phải đối diện với những câu hỏi nghi vấn về giới tính.

Cái tên Tấn Lộc gắn liền với nhiều vở múa hoành tráng cả về quy mô lẫn nội dung nghệ thuật, nhưng hiếm khi thấy anh xuất hiện trên sân khấu, giữa những rực rỡ, lấp lánh của ánh đèn. Anh chọn cho mình một vị trí biên đạo múa - lặng lẽ và khiêm nhường đứng sau thành công của các đồng nghiệp. Ấy là một cách diễn, một cách tồn tại của riêng anh, giản dị mà không kém phần say mê, độc đáo.

> Đọc thêm: Gia đình Lã Thanh Huyền 'xử ép' con dâu?

Đào Bích

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.