Theo báo Pháp luật TP.HCM, Sở GTVT Hà Nội cho biết đang nghiên cứu thí điểm cấm xe máy tại 6 tuyến phố chính là các trục giao thông xuyên tâm tại nội thành Hà Nội.
Cụ thể, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện vừa cho biết Sở này đang hoàn thiện Đề án “Phân vùng hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng, tiến tới dừng hoạt động của xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030” để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Đề án này là một trong những nội dung thực hiện lộ trình quản lý phương tiện giao thông nhằm chống ùn tắc, giảm ô nhiễm môi trường đã được HĐND TP Hà Nội thông qua tại kỳ họp tháng 7/2017.
Theo đó, có 6 tuyến phố là các trục giao thông hướng tâm được xem xét nghiên cứu gồm: Phố Nguyễn Trãi - đoạn từ vành đai 3 đến đường Láng, lộ trình thí điểm từ năm 2019-2020; Phố Xuân Thủy - Cầu Giấy, dự kiến thí điểm cấm xe máy sau năm 2020, khi tuyến đường sắt đô thị số 3 (đang thi công đoạn Nhổn – Văn Miếu) đi vào hoạt động; phố Giải Phóng (đoạn từ giao vành đai 3 đến Đại Cồ Việt); phố Nguyễn Văn Cừ (từ cầu vượt Long Biên đến cầu Chương Dương), đường Lê Văn Lương (giao vành đai 3 đến đường Láng) và tuyến Trần Duy Hưng - Nguyễn Chí Thanh.
Bên cạnh đó, Hà Nội cũng nghiên cứu cho dừng đăng ký xe máy tại các quận nội thành theo lộ trình: Từ năm 2020 cấm đăng ký xe máy tại các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ và sau năm 2025 mở rộng sang các quận Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, huyện Gia Lâm, Đông Anh.
Ngành giao thông dự kiến thí điểm cấm xe máy hoạt động vào giờ cao điểm từ thứ 2 đến thứ 6, bố trí làn ưu tiên cho xe buýt (ngoài thời gian cấm, xem xét cho xe máy hoạt động trên làn ưu tiên cho xe buýt) tại các tuyến Nguyễn Trãi (đoạn từ giao vành đai 3 - đường Láng) vào năm 2019-2020 và tuyến Xuân Thủy - Cầu Giấy (sau khi tuyến đường sắt đô thị 3A đi vào hoạt động, dự kiến sau 2020).
Trước đó, báo Tiền Phong đưa tin, chiều 11/3, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội Vũ Văn Viện đã trả lời báo chí về việc hạn chế, tiến tới cấm xe máy khu vực nội thành vào năm 2030. Theo đó, hai tuyến đường Nguyễn Trãi hoặc Lê Văn Lương được chọn để thí điểm cấm xe máy.
Ngay sau khi thông tin này được báo chí phản ánh, dư luận đã nổ ra rất nhiều ý kiến trái chiều cả ủng hộ lẫn không ủng hộ. Trong đó nhiều ý kiến cho rằng cấm xe máy khi giao thông công cộng chưa hoàn thiện là làm khó cho người dân.
Trên tờ VnExpress hôm nay (20/3) vừa có bài viết “Cấm xe máy là làm lợi cho người giàu”, phản ánh quan điểm của độc giả cho rằng trong khi đại bộ phận người dân còn nghèo, nếu cấm xe máy sẽ làm ảnh hưởng đến 90% tỷ lệ dân cư.
Bài báo cũng nhận định, xét về cả việc chiếm dụng lòng đường và gây ô nhiễm thì ô tô đều gây ảnh hưởng nhiều hơn. Về kinh tế thì nếu chỉ cấm ô tô là làm hạn chế quyền lợi của đa số người nghèo.
Từ đó bài báo cho rằng, chính sách cấm xe máy chỉ có thể đúng đắn khi đi kèm với chính sách quản lý ôtô, xe đạp, xe máy điện, phát triển giao thông công cộng, xe đạp và đi bộ. Cần suy nghĩ thấu đáo đến nhu cầu của từng nhóm người, đảm bảo sự cân bằng của cán cân kinh tế - xã hội - môi trường trong mỗi giai đoạn thực hiện. Nếu không cân nhắc kỹ hậu quả của việc thử nghiệm, thí điểm sẽ có những bất ngờ (được dự báo trước) mà không thú vị.
H.Y (tổng hợp)