Không phải cho vay cầm đồ, mảng bảo hiểm mới là con gà đẻ trứng vàng của F88

Lê Thanh Hồng

Lê Thanh Hồng

Thứ 4, 08/03/2023 14:23

Năm 2022, chủ yếu nhờ vào hoạt động hiệu quả của mảng sản phẩm bảo hiểm, F88 đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần là 112% so với năm trước.

Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an vừa phối hợp với Công an Tp.HCM khám xét khẩn cấp trụ sở Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 và nhiều chi nhánh khác ở Tp.HCM để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Theo tìm hiểu, thương hiệu F88 ra đời từ năm 2013. Thời điểm mới ra mắt, F88 hoạt động như một chuỗi cầm đồ, cung cấp các dịch vụ cho vay cầm cố tài sản. Về sau, F88 mở rộng kinh doanh thêm các dịch vụ như bảo hiểm, dịch vụ thu hộ, chi hộ, thanh toán hoá đơn, chuyển tiền, nạp rút tiền ví điện tử…

Thông tin trên Dữ liệu từ Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, CTCP Kinh doanh F88 được đăng ký thành lập từ 2016, vốn điều lệ hiện có gần 567 tỷ đồng với người đại diện pháp luật là ông Phùng Anh Tuấn, nắm giữ 20% cổ phần công ty.

Trước đó, năm 2015, ông Phùng Anh Tuấn cũng đã thành lập CTCP Đầu tư F88 với vốn điều lệ gần 70 tỷ đồng. Công ty này là công ty mẹ của CTCP Kinh doanh F88 vừa bị khám xét. Ông Tuấn cũng là người đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành toàn bộ hoạt động của F88.

Tài chính - Ngân hàng - Không phải cho vay cầm đồ, mảng bảo hiểm mới là con gà đẻ trứng vàng của F88

Ông Phùng Anh Tuấn là Tổng Giám đốc kiêm đại diện pháp luật của F88.

Doanh thu bảo hiểm tăng mạnh

Theo cập nhật từ Mekong Capital, năm 2022, F88 đạt mức tăng trưởng doanh thu thuần là 112% so với năm trước, chủ yếu nhờ vào hoạt động hiệu quả của mảng sản phẩm bảo hiểm. Chỉ tính riêng doanh thu thuần từ bảo hiểm đã tăng 221% so với năm 2021 và chiếm hơn 15% tổng doanh thu thuần của công ty.

Đồng quan điểm, tổ chức FiinRatings cũng đánh giá bảo hiểm là một nguồn thu nhập tiềm năng trong môi trường lãi suất cao hiện nay, có tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh cho vay của F88. Các dịch vụ bảo hiểm của F88 đa dạng về điều khoản và loại bảo hiểm, từ bảo hiểm xe cộ, tài sản đến bảo hiểm sức khỏe và nhân thọ…

Đáng chú ý, số liệu 9 tháng đầu năm 2022 cho thấy 42% hợp đồng bảo hiểm được F88 bán độc lập với các khoản cho vay. “Điều này thể hiện năng lực bán hàng và cam kết của công ty trở thành một trong những nhà phân phối bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam”, FiinRatings nhận xét.

Trong phân khúc cho vay thế chấp, F88 vẫn là công ty có thị phần lớn nhất dựa trên mức độ đa dạng và độ bao phủ của mạng lưới cửa hàng, cũng như dựa trên quy mô dư nợ cho vay.

Xét về tiến độ mở rộng, F88 đã mở 211 cửa hàng trong năm 2022, nâng tổng số cửa hàng lên 800 cửa hàng tính đến thời điểm hiện tại.

Tính đến quý III năm ngoái, tổng dư nợ cho vay sau điều chỉnh của F88 là gần 3.358 tỷ đồng, đã bao gồm khoảng 800 tỷ đồng là các khoản cho vay ngoại bảng (cấp vốn bởi CIMB). Trong khoảng thời gian này, F88 cho biết đã ghi nhận dư nợ tăng 246,4% so với cùng kỳ năm trước.

Nguồn vốn ở đâu để cho vay?

Từ khi thành lập và phát triển trở thành chuỗi cầm đồ lớn nhất Việt Nam, F88 đã liên tục thu hút sự chú ý của dòng vốn ngoại đến từ các quỹ đầu tư. Từ năm 2017 - 2018, F88 đã thành công trong việc gọi vốn từ Quỹ Mekong Enterprise Fund III (thuộc Công ty quản lí quỹ Mekong Capital) cho vòng gọi vốn serie A.

Tiếp theo đó là vòng serie B từ Quỹ Granite Oak - một quỹ đầu tư đến từ châu u. Con số huy động không được tiết lộ nhưng ở thời điểm đó, F88 được định giá gần 1.000 tỷ đồng, tương đương 43,5 triệu USD.

Mới đây, F88 còn huy động thành công khoản đầu tư 50 triệu USD, tương đương 1.185 tỷ đồng trong vòng gọi vốn Series C với từ quỹ Việt Nam - Oman (VOI) và quỹ Mekong Enterprise Fund IV (MEF IV).

Không chỉ gọi vốn từ các quỹ ngoại, từ năm 2021 - 2023, F88 ký kết hợp tác chiến lược với các ngân hàng quốc tế như CIMB, Ngân hàng Đại chúng TNHH Kasikornbank (KBank) - chi nhánh TPHCM để cùng triển khai các dịch vụ tài chính.

Ngoài ra, tháng 3/2022, F88 cho biết hợp tác với Thế Giới Di Động triển khai dịch vụ vay tiền mặt xuống toàn miền Tây và 3 tỉnh miền Đông, khoản vay đến 20 triệu đồng. Hình thức giải ngân sẽ là tiền mặt và chuyển khoản song song áp dụng từ nửa cuối tháng 3.

F88 cũng tích cực huy động vốn từ các đợt phát hành trái phiếu với nhiều kỳ hạn khác nhau từ năm 2020 - 2022. Trong giai đoạn này, theo dữ liệu từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) đã có tổng cộng 23 đợt huy động vốn của F88 qua kênh trái phiếu với tổng giá trị đạt gần 2.800 tỷ đồng.

Tài chính - Ngân hàng - Không phải cho vay cầm đồ, mảng bảo hiểm mới là con gà đẻ trứng vàng của F88 (Hình 2).

Các lô trái phiếu hiện nay của F88 (Nguồn: HNX).

Các trái phiếu mà F88 phát hành chủ yếu có mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, trả lãi coupon (nhà phát hành sẽ trả lãi trên một tỉ lệ lãi suất định kỳ hàng năm dựa trên mệnh giá của trái phiếu), lãi suất cố định. Lãi sẽ được thanh toán định kỳ vào cuối kỳ. Các trái phiếu này có thể được mua lại trước hạn.

Tuy nhiên vào tháng 10/2021 và tháng 6/2022, đơn vị xếp hạng FiinRatings đánh giá trái phiếu của F88 vào mức BBB-. Theo phân loại này, BBB- thuộc nhóm 4, xếp cuối cùng trong phân loại xếp hạng mức đầu tư.

Trái phiếu thuộc nhóm này có năng lực tương đối tốt để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính nhưng dễ bị ảnh hưởng hơn trước các diễn biến bất lợi của nền kinh tế.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.