Liên quan đến vấn đề chỉ số CPI tăng đột biến trong tháng 9, PV đã có cuộc trao đổi với TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước. TS. Kiêm cho rằng: Có bốn nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này. Thứ nhất là do đầu vào của một số mặt hàng tăng nhanh trong thời gian rất ngắn như xăng dầu, ga, thực phẩm... Thứ hai là do một số mặt hàng thiết yếu nhất là thực phẩm tăng giá quá nhanh. Thứ ba, do thời điểm tăng giá đúng vào đầu năm học. Học phí, giá cả các dịch vụ giáo dục tăng cao. Thứ tư là do tâm lý người tiêu dùng thấy giá cả tăng thì đổ xô mua hàng bởi họ sợ hàng hóa tiếp tục tăng cao. Hơn nữa, nhất là khi nghe tin đồn tăng lương 100% cho Doanh nghiệp tháng 10, tháng 11 sắp tới. Ngoài ra, việc Nhà nước bơm tiền cho ngành tài chính, ngân hàng, mở rộng số tín dụng khiến lượng tiền lưu thông tăng, đẩy giá cả lên cao.
TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Bàn về biện pháp tốt nhất kiềm chế tối đa lạm phát trong những tháng cuối năm, TS. Kiêm cho rằng: Lượng tiền tung ra kể cả qua khâu tài chính, ngân hàng phải đúng địa chỉ, không gây rủi ro, tạo mặt hàng, tạo thu nhập, tạo sức mua. Điều đó vừa chống lạm phát vừa giúp tăng trưởng kinh tế. Khi điều hành giá cả, Nhà nước cần phải có chính sách tăng rải đều, không dồn một chỗ. Đồng thời Nhà nước phải kiểm soát chặt chẽ thị trường, tránh tình trạng tin đồn thất thiệt, "giá cả té nước theo mưa". Trong đó, các số liệu cần phải được minh bạch, công khai để người dân chủ động tham gia. Nếu không sẽ dễ gây tâm lý chạy theo những thông tin đồn thổi, không chính xác, ảnh hưởng tiêu cực đến giá cả, thị trường.
Dự báo về mức tăng CPI trong những tháng cuối năm, TS. Trần Văn Đức (giảng viên Đại học Nông nghiệp Hà Nội) cũng cho rằng, chỉ số giá tiêu dùng sẽ tiếp tục tăng cao nếu như không có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước trong việc bình ổn giá cả. Nhất là khi thị trường tiêu dùng chắc chắn sẽ nóng lên trong thời điểm cuối năm. Bên cạnh đó, nhiều tỉnh, thành phố cũng đang tiếp tục điều chỉnh tăng giá các loại dịch vụ y tế, giáo dục... Những yếu tố biến động giá khác như tác động trễ của gói kích cầu, nới lỏng tín dụng cũng sẽ góp phần không nhỏ đến việc "kích" cho chỉ số giá tiêu dùng tăng cao.
Theo TS. Trần Văn Đức, giải pháp tốt nhất để ổn định giá cả thị trường, kiềm chế lạm phát trong những tháng tới là nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước trong việc điều chỉnh lại các chính sách tiền tệ một cách hợp lý. Trong đó, các chính sách về quản lý giá cả cần phải chặt chẽ hơn nếu không muốn chỉ số CPI tiếp tục vượt ngưỡng 2% như thời gian vừa qua.
Việc chỉ số CPI đảo chiều tăng mạnh trong tháng 9 khiến không chỉ khiến các nhà hoạch định chính sách và các chuyên gia kinh tế lo lắng mà người dân cũng bất an vì nguy cơ lạm phát kéo dài. TS. Trần Văn Đức nhấn mạnh: "Có những thứ tăng báo hiệu niềm vui nhưng không phải cứ tăng là mừng. Nếu chúng ta không điều chỉnh và cân đối lại giá cả các mặt hàng thì nguy cơ lạm phát kéo dài là điều tất yếu". Tuy nhiên TS. Đức cũng cho rằng, trong ba tháng tới, chúng ta có thể tin vào động thái giải ngân của Chính phủ và việc kiểm soát giá cả thị trường của các cơ quan hữu quan. Nếu làm tốt việc kiểm soát chặt chẽ đầu vào của các mặt hàng và giải ngân hợp lý thì lạm phát có thể được khắc phục ở mức thấp nhất.
Thu Dung