Những ngày qua, thông tin về “virus viêm cơ tim” có khả năng lây lan nhanh chóng, dẫn đến tử vong đang được lan truyền trên mạng xã hội với tốc độ “chóng mặt”. Tuy nhiên, thông tin trên đã được Tổng thư ký hội Tim mạch học Việt Nam Phạm Mạnh Hùng bác bỏ.
Vậy bệnh viêm cơ tim thực sự nguy hiểm đến mức nào?
Viêm cơ tim gặp ở mọi lứa tuổi
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc bệnh viện đại học Y Hà Nội cùng các cộng sự, bệnh viêm cơ tim là tình trạng viêm của cơ tim. Tài liệu nói về bệnh viêm cơ tim được tìm thấy từ năm 1600 sau công nguyên. Theo thống kê, trên toàn thế giới, bệnh viêm cơ tim đã gây ra cái chết cho 294.000 người (năm 1990) tăng lên đến 354.000 người (năm 2015).
Theo đó, bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng gặp nhiều hơn ở người trẻ tuổi (20-40), gặp ở nam nhiều hơn nữ, biểu hiện phong phú có thể từ nhẹ đến nặng.
Viêm cơ tim sẽ ảnh hưởng đến cơ tim và các hoạt động điện của tim, làm giảm khả năng bơm máu của tim và là nguyên nhân gây ra nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim.
Viêm cơ tim nặng gây ra suy tim làm cho không bơm đủ máu đến các phần còn lại của cơ thể. Các cục máu đông có thể hình thành trong tim, dẫn đến đột quỵ hoặc đột tử.
Một số triệu chứng: Nếu viêm cơ tim nhẹ hoặc đang ở giai đoạn đầu, có thể không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như đau ngực trái nhẹ hoặc khó thở khi gắng sức.
Trường hợp nặng, các dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm: đau ngực; nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim; khó thở, lúc nghỉ ngơi hoặc khi vận động; phù chân, mắt cá chân và bàn chân; mệt mỏi. Các dấu hiệu và triệu chứng khác sẽ theo nguyên nhân gây ra viêm cơ tim.
Về chẩn đoán, bên cạnh biểu hiện lâm sàng, bác sĩ cần dựa thêm vào một số bằng chứng cận lâm sàng: công thức máu, CRP; test sàng lọc cúm; men tim (troponin, CK - MB); điện tim; test kháng thể với virus; chụp MRI tim; sinh thiết cơ tim: là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán viêm cơ tim, thường được thực hiện khi chụp mạch can thiệp; siêu âm tim (đóng vai trò quan trọng để loại trừ nguyên nhân viêm cơ tim với các nguyên nhân khác như bệnh van tim).
Nguyên nhân và biến chứng
Theo PGS.TS.BS. Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, bệnh viện đại học Y Hà Nội, giảng viên cao cấp bộ môn Hồi sức cấp cứu, đại học Y Hà Nội, nguyên nhân viêm cơ tim thường gặp là virus hoặc bệnh lý tự miễn.
“Ở nhóm nguyên nhân tự miễn, chính hệ miễn dịch của cơ thể tấn công mô cơ tim lành chứ không phải vi khuẩn. Bệnh lý tự miễn có thể là nguyên nhân gây viêm cơ tim hoặc tổn thương cơ quan khác. Bên cạnh đó, một số thuốc cũng có thể gây nên viêm cơ tim. Viêm cơ tim có thể biểu hiện ở các mức độ từ nhẹ đến nguy kịch, nhiều trường hợp tự khỏi, ngược lại nhiều trường hợp viêm cơ tim lại để lại hậu quả nặng nề cho tim thậm chí tử vong”, ông cho biết.
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu phân tích cụ thể hơn: “Nguyên nhân gây bệnh có thể, bao gồm: Thứ nhất, virus: nhiều loại virus liên quan đến viêm cơ tim, bao gồm cả những loại virus gây cảm cúm thông thường (adenovirus); viêm gan B và C; parvovirus (gây phát ban nhẹ, thường ở trẻ em) và virus herpes. Nhiễm trùng đường tiêu hóa (do echoviruses), tăng bạch cầu đơn nhân (do virus Epstein-Barr) và Rubella cũng có thể gây viêm cơ tim. Đặc biệt, thường gặp ở những người nhiễm HIV khi hệ miễn dịch bị suy sụp.
Thứ hai, vi khuẩn: rất nhiều loại vi khuẩn có thể gây viêm cơ tim, bao gồm tụ cầu (staphylococcus), liên cầu (streptococcus), trực khuẩn gây bệnh bạch hầu.
Bên cạnh đó, ký sinh trùng cũng là một trong những nguyên nhân, trong đó có những ký sinh trùng như trypanosoma cruzi và toxoplasma, bao gồm một số loài truyền qua côn trùng và có thể gây ra bệnh “Chagas”. Bệnh này phổ biến hơn nhiều ở Trung và Nam Mỹ so với Hoa Kỳ, nhưng nó có thể xảy ra ở khách du lịch và người nhập cư.
Nấm cũng có thể gây ra bệnh viêm cơ tim, nhiễm trùng vi nấm như Candida; aspergillus và các loại nấm khác (Histoplasma, thường được tìm thấy trong phân chim, đôi khi có thể gây viêm cơ tim, đặc biệt ở những người có hệ miễn dịch yếu).
Nguyên nhân tiếp theo có thể bắt đầu từ thuốc: phản ứng dị ứng hoặc độc hại. Bao gồm các loại thuốc được sử dụng để điều trị ung thư; thuốc kháng sinh (như thuốc penicillin và sulfonamid); một số loại thuốc chống động kinh và một số chất cấm như cocaine.
Ngoài ra, việc tiếp xúc với một số hóa chất, chẳng hạn như carbon monoxide, và bức xạ đôi khi có thể gây viêm cơ tim. Và những căn bệnh khác như lupus, u hạt Wegener, viêm động mạch tế bào khổng lồ và viêm động mạch Takayasu”.
Những biến chứng của viêm cơ tim: Viêm cơ tim nặng có thể làm tổn thương cơ tim vĩnh viễn, nó có thể gây ra: suy tim; nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ; nhịp tim nhanh hoặc rối loạn nhịp tim; đột tử do tim.
Viêm cơ tim được điều trị thế nào?
Theo PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải, điều trị viêm cơ tim phụ thuộc vào mức độ nặng và nguyên nhân của bệnh lý này. Các biện pháp điều trị bao gồm: thuốc; hỗ trợ suy tim; hỗ trợ suy hô hấp; chữa loạn nhịp tim; chống hình thành cục máu đông trong tim và mạch máu; thuốc ức chế miễn dịch; một số bệnh nhân cần thở oxy qua bình, thậm chí phải thở máy; không được uống rượu, bia; nghỉ ngơi.
Đặc biệt, nếu viêm cơ tim nặng, bệnh nhân có thể cần một số điều trị khác: thiết bị hỗ trợ tim: Máy tạo nhịp, máy hỗ trợ tim co bóp; máy hô hấp tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO); ghép tim - thay tim của người cho chết não.
Giám đốc bệnh viện đại học Y Hà Nội Nguyễn Lân Hiếu chỉ ra: “Nhiễm virus, điều trị triệu chứng là biện pháp điều trị chủ yếu cho hầu hết các dạng viêm cơ tim. Trong giai đoạn cấp tính, liệu pháp hỗ trợ là chính, bao gồm cả nghỉ ngơi tại giường.
Thuốc: Do bác sĩ chỉ định, nếu bệnh nhân có triệu chứng suy tim sẽ sử dụng digoxin và thuốc lợi tiểu. Đối với những người bị rối loạn chức năng tim từ trung bình đến nặng, có thể được hỗ trợ bằng cách sử dụng các thuốc tăng co bóp như milrinone trong giai đoạn cấp tính, sau đó điều trị bằng thuốc ức chế men chuyển khi dung nạp.
Corticosteroid toàn thân có thể có tác dụng có lợi ở những người bị viêm cơ tim đã được chẩn đoán xác định. Tuy nhiên, corticosteroid nên dùng một cách thận trọng vì 58% người lớn tự phục hồi.
Những người suy tim nặng không đáp ứng với liệu pháp thông thường có thể chỉ định hỗ trợ chức năng tim bằng thiết bị màng trao đổi oxy ngoài cơ thể (như ECMO) hoặc ghép tim cho những người không cải thiện chức năng tim bằng liệu pháp ECMO”.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu và cộng sự, không có phòng ngừa đặc hiệu cho viêm cơ tim, một số lời khuyên sau đây có thể giúp ngăn ngừa bệnh viêm cơ tim như thực hiện theo vệ sinh tốt, tránh những hành vi nguy cơ cao để giảm khả năng bị nhiễm trùng cơ tim liên quan đến HIV, tình dục an toàn và không sử dụng ma túy bất hợp pháp, giảm thiểu tiếp xúc với côn trùng,...
Bệnh nhân viêm cơ tim cần đến thăm khám định kỳ, ngay cả khi thấy ổn hơn, có thể bác sĩ phải làm một số thăm dò đánh giá chức năng tim và đánh giá một số di chứng của viêm cơ tim.
Khi có những triệu chứng nghiêm trọng của đau ngực và khó thở khi đang có biểu hiện nhiễm trùng hoặc nhiễm virus, cần đến ngay phòng cấp cứu hoặc gọi trợ giúp y tế khẩn cấp.