Theo báo Pháp luật Việt Nam, sông Mê Kông dài 4.350km và là con sông dài nhất Đông Nam Á. Cũng vì chảy qua một số nước nên con sông này có nhiều tên. Ở Trung Quốc nó mang tên Lan Thương Giang. Ở Việt Nam, sông này còn có tên là dòng Cửu Long, nhưng tên phổ biến nhất là Mekong, tên tắt của tiếng Thái là Mae Nam Khong.
Gần một nửa chiều dài con sông này chảy trên lãnh thổ Trung Quốc, nước chảy cuồn cuộn xuống sườn núi và tràn như sóng qua những hẻm núi sâu, đổ xuống từ độ cao khoảng 4.500 mét. Phần sau của sông Mê Kông chỉ đổ xuống từ độ cao 500m, vì vậy nước chảy êm hơn. Khi rời Trung Quốc, sông Mê Kông trở thành biên giới của Myanmar và Lào, và cũng là phần lớn biên giới giữa Lào và Thái Lan. Tại Campuchia, sông Mê Kông phân ra hai nhánh chảy vào Việt Nam, rồi chia thành những nhánh nhỏ trước khi đổ ra Biển Đông.
Còn sông Dương Tử ở Trung Quốc là con sông dài nhất châu Á và là sông dài thứ 3 trên thế giới, sau sông Amazon ở Nam Mỹ và sông Nile ở Châu Phi.
Theo báo Lao động, tên Trung Quốc của sông Dương Tử là Trường Giang (nghĩa là sông dài). Tên sông Dương Tử ban đầu được người dân địa phương sử dụng để chỉ vùng hạ lưu của sông.
Tuy nhiên, bởi đây là cái tên đầu tiên mà các thương nhân và các nhà truyền giáo được nghe về dòng sông nên nhanh chóng được sử dụng cho cả dòng sông, theo trang tin sheppardsoftware.com cho hay.
Ở thượng nguồn sông Dương Tử - đoạn sông chảy qua các hẻm núi sâu song song với sông Mekong (có tên gọi ở Trung Quốc là sông Lan Thương) và sông Salween đến vùng đồng bằng ở Tứ Xuyên - người Trung Quốc gọi là sông Kim Sa (sông Cát Vàng).
Sông Dương Tử có chiều dài khoảng 6.380km, chảy ra biển Hoa Đông. Ở Trung Quốc thông thường sông này được coi như điểm phân chia giữa hai miền Hoa Bắc và Hoa Nam Trung Quốc, mặc dù sông Hoài cũng đôi khi được coi như vậy.
Quốc Tiệp (t/h)