Sáng ngày 16/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn tại QH. Theo thống kê, sáng nay có 59 ĐB đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
ĐB Dương Minh Ánh: Đề án dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục Quốc dân giai đoạn 2008 - 2020, với mục tiêu ban đầu dự án đến 2020, đa số thanh niên tốt nghiệp Trung cấp, CĐ, ĐH học tập và làm việc trong môi trường học tập đa ngôn ngữ, đa văn hóa, biến ngoại ngữ thành thế mạnh của VN với kinh phí gần 9.400 tỷ đồng.
Giai đoạn 2008 – 2015 đã chi hết 5.000 tỷ đồng nhưng đến nay sau 8 năm thực hiện mục tiêu chưa đạt với nhiều hạn chế và 4 nhóm giải pháp Bộ đã nêu trong báo cáo với QH. Bộ trưởng có khẳng định các giải pháp đó đến năm 2020, dự án có đạt được mục tiêu hay không hay số phận của nói lại giống 5 dự án không đạt hiệu quả mà Chính phủ trình kỳ này?
Câu hỏi thứ 2 là trong Thông tư 01 của Bộ GD-ĐT quy định về khung năng lực ngoại ngữ đào tạo 6 bậc dùng cho VN có quy định bậc 1 tương đương A1 cho học sinh tiểu học. Bậc 2 tương đương A2 dành THCS. Bậc 3 tương đương B1 cho học sinh THPT, bậc 4 tương đương B2 cho học sinh CĐ, ĐH.
Nhưng trong thông tư liên tịch 21, 22 của Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ quy định về trình độ giáo viên Tiểu học cơ sở, THCS, THPT là bậc 2 (A2) ở đây có một nghịch lý là chúng ta đòi hỏi trình độ đối với học sinh, sinh viên cao hơn hơn với giáo viên, giảng viên. Những quy định như vậy có đảm bảo tính logic, đảm bảo yêu cầu trong đổi mới giáo dục hay không? Câu hỏi này ngoài Bộ trưởng GD-ĐT trả lời, tôi cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ có ý kiến.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời:
Về đề án 2020, ĐB có hỏi là liệu có đạt được mục tiêu? Tôi khẳng định luôn là không. Vì dạy ngoại ngữ là lâu dài, liên quan nhiều nhóm đối tượng khác nhau. Để viết thành thạo, thực hiện mục tiêu như đề án mong muốn cần có thời gian và chi phí rất lớn.
Khi xây dựng đề án, chúng tôi đưa ra mục tiêu, quyết tâm cao thực hiện các mục tiêu như mong muốn. Tuy nhiên trong quá trình triển khai gặp nhiều vấn đề về thời gian, kinh phí, chuẩn bị. Nhưng với trách nhiệm Bộ GD-ĐT, trách nhiệm cá nhân Bộ trưởng chúng tôi chịu trách khi xây dựng các đề án phải hết sức thiết thực, khả thi.
Với quan điểm như vậy, gần đây chúng tôi cho rà soát để chiều chỉnh. Thứ nhất là về cách tiếp cận sau đó với đến mục tiêu. Cách tiếp cận đề Đề án 2020 không phải chịu trách nhiệm đào tạo toàn bộ các vấn đề về ngoại ngữ cho tất cả các nhóm đối tượng. Nếu đặt vấn đề như vậy là không khả thi và đề án 2020, Chính phủ tập trung vào những việc mà từng tổ chức, từng cá nhân khó làm. Đây là vấn đề định hướng, dẫn dắt.
Chương trình nội dung là phải thống nhất, được biên tập biên soạn có tính hệ thống trong đó có tính đến hội nhập quốc tế. Tránh việc biên soạn theo năng lực các thầy cô phải theo chuẩn quốc tế. Tập trung đào tạo giáo viên. Thực tế vừa qua chúng tôi có kiểm điểm lại thấy khâu chuẩn bị về giáo viên chưa thật sự kỹ dẫn đến khi thực hiện khó khăn. Chúng tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm vấn đề này.
Thứ ba là những phương thức tổ chức để nhiều người hưởng lợi. Làm sao mọi người đều có quyền được hưởng thành quả hội nhập. Chúng tôi tập trung vào thiết kế phương thức đào tạo theo hướng trực tuyến từ xa. Chúng tôi đặc biệt nhấn mạnh xã hội hóa. Xã hội hóa phải là tâm điểm tạo ra môi trường, chứ không phải tất cả trông chờ vào đề án. Tới đây, chúng tôi sẽ trình Thủ tướng về điều chỉnh đề án này.
Trả lời câu hỏi thứ 2 của ĐB Ánh, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay:Muốn yêu cầu học sinh cao hơn thì giáo viên phải cao hơn. Chúng tôi rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, muốn đưa ra chuẩn cao, báo cáo ĐB Ánh học sinh học thì nhanh nhưng cán bộ viên chức không phải ngày một ngày hai học được.
Chúng tôi sẽ làm việc với bộ Nội vụ vấn đề này. Đối với nhóm còn thầy cô còn có điều kiện cơ hội phát triển thì cần phải có lộ trình thực hiện. Tránh việc đưa ra áp dụng luôn, không khả thi tránh việc mua bán chứng chỉ. Đối với nhóm thầy cô không còn thời gian công tác dài cũng không nên ép.
ĐBQH Hồ Thị Minh (Quảng Trị): Theo thống kê hiện này có 191.000 sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Trong đó, tại địa phương nhiều trường trung cấp ở địa phương vẫn tiếp tục đào tạo mất cân đối. Có nên duy trì cách thức đào tạo như hiện nay hay không? Giải pháp của Bộ trưởng
Tôi ghi nhận vấn đề này và rất trăn trở. Vì sứ mạng các trường ĐH đào tạo ra là phải có việc làm. Tuy nhiên không phải sinh viên nào ra trường cũng có việc làm, Harvard cũng vậy. Phải có thời gian, thực tiễn, phải đào tạo bổ sung. Đào tạo bổ sung chứ không phải đào tạo lại.
Tuy nhiên, kiến thức trong trường phải đảm bảo. Đào tạo lại rất lãng phí, mất thời gian, nguy hiểm. Vì khi đào tạo một thứ mà bây giờ lại phải học thứ khác rất khó.
Số sinh viên có việc làm ngay chủ yếu rơi vào các trường top trên. Sinh viên chưa có việc làm rơi vào, phần lớn các trường mới thành lập. Chúng tôi rất ý thức được điều đó và đang cố gắng sửa. Tới đây, chúng tôi sẽ làm rất mạnh về vấn đề các trường ĐH. Chúng tôi sẽ áp dụng chuẩn đảm bảo chất lượng trường, ngành để làm sao các trường mới mở, điều kiện yếu kém sẽ được các trường chất lượng cao hỗ trợ họ hoặc trở thành viên của trường lớn.
Ví dụ An Giang hoặc trở thành trường thành viên hoặc phân hiệu của ĐHQG TP.HCM. Không nâng cấp các trường TC, CĐ lên ĐH. Học sinh ĐH không nhất thiết phải học gần nhà. Quy hoạch lại mạng lưới, hình thành nhóm các trường chất lượng. Với các trường ĐH chỉ nên mở ở Trung ương cùng lắm ở vùng chứ không nên mở ở địa phương vì quy mô quá nhỏ, phân tán, không đảm bảo chất lượng. Với sinh viên thất nghiệp, chúng tôi rất trăn trở và đã làm việc với VCCI, doanh nghiệp đào tạo bổ sung.
Với trách nhiệm Bộ trưởng, tôi sẽ đặc biệt quan tâm vấn đề này. Đặc biệt, siết chặt không chỉ đầu vào mà ở cả đầu ra. Vừa rồi, tôi đã chỉ đạo các trường phải báo cáo sinh viên tốt nghiệp. Các trường báo cáo sai, gian dối sẽ bị xử lý. Mặc dù các trường được tự chủ chỉ tiêu nhưng chúng tôi với tư cách cơ quan quản lý sẽ mạnh dạn quyết liệt trong vấn đề này.
Về câu trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) đã giơ biển tranh luận. ĐBQH Nguyễn Anh Trí tranh luận: "Trong 191.000 sinh viên thất nghiệp, bộ GD-ĐT có lỗi gì không. Tôi thấy có lỗi. Và đào tạo ĐH chúng ta chưa bám theo nhu cầu, cứ thích là đào tạo thôi. Tôi rất hoan nghênh các giải pháp của Bộ trưởng trong việc thực hiện.
Về việc dạy ngoại ngữ, nhiều ngoại ngữ là tốt nhưng nên theo thứ tự ưu tiên. Quan trọng nhất là tiếng Anh, tiếng Anh phải được đặt lên ưu tiên hàng đầu còn sau đó cần gì học ngoại ngữ gì thì học thêm đó. Xin đừng lãng phí thời gian".
Đỗ Thơm – Dương Thu