Trong văn bản báo cáo tổng hợp từ các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, TP, tập đoàn kinh tế Nhà nước, cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) thông báo chưa phát hiện trường hợp nào sử dụng tiền, tài sản công không đúng quy định; lãng phí, tặng quà, nhận quà không đúng quy định trong dịp Tết Đinh Dậu 2017.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ĐBQH Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) cho rằng: “Tôi được biết, đánh giá của Chính phủ là các tỉnh về HN chúc Tết giảm 70%. Và báo cáo của Thanh tra Chính phủ là không phát hiện trường hợp nào biếu, nhận quà Tết sai quy định, tôi cho rằng đó là xu hướng, tín hiệu rất tốt”.
Có ý kiến cho rằng, nếu năm nào cũng không phát hiện được trường hợp biếu, nhận quà Tết sai quy định khi cách làm chỉ là các bộ công chức, viên chức tự khai, vậy có cần duy trì việc báo cáo, quy định cấm như các năm vừa qua?
ĐB Trần Anh Tuấn cho rằng: “Trong hệ thống cán bộ, công chức, viên chức, mỗi năm đều có sự thay đổi nhân sự. Chúng ta phải quy định, duy trì các việc đó để cả những người mới vào cũng nắm được việc đó ngay từ đầu. Chắc chắn, các hành vi của họ sẽ phải chuẩn mực, đúng đắn hơn”.
Ông cũng nhấn mạnh: “Thanh tra họ làm không chỉ căn cứ nguyên vào bản tự khai về biếu, nhận quà Tết của cán bộ, công chức, viên chức. Nội dung tự khai chỉ là một kênh tham khảo, còn tính trung thực về nội dung sẽ phải có kiểm tra. Nếu các đơn vị quản lý nắm được thông tin có dấu hiệu vi phạm quy định về biếu, nhận quà Tết họ sẽ phải dùng nghiệp vụ để kiểm tra.
Tuy nhiên, việc biếu, nhận quà Tết sai quy định không phải dễ mà phát hiện được. Tôi thấy việc này cũng giống như việc kê khai tài sản. Các cán bộ công chức, lãnh đạo thuộc diện kê khai thì cứ kê khai còn việc bản tự kê khai tính trung thực đến đâu phải có cơ quan kiểm tra”.
Về việc liên tiếp nhiều năm không phát hiện trường hợp nào biếu, nhận quà Tết sai quy định, Cục trưởng cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt cho rằng: “Nếu chỉ áp dụng biện pháp hành chính yêu cầu các địa phương báo cáo như hiện nay khó đem lại hiệu quả. Việc phát hiện cũng rất khó khăn và không hề đơn giản.
Những người có động cơ đưa hối lộ thì họ không nhất thiết phải đưa vào dịp Tết. Họ có thể chuyển qua hình thức khác như chuyển tài khoản ngân hàng, chuyển bằng dự án, tặng chung cư, % dự án… Những cái đó là biến tướng tinh vi mà không cần phải đến nhà, không phải đợi dịp Tết”.
Chính vì thế, theo ông Đạt, năm 2017 phải thay đổi phương pháp. “Từ việc biếu, nhận quà Tết chúng ta phải nhận thức rõ về những biến tướng, chuyển hóa trong việc ngăn ngừa phòng chống tham nhũng để làm sao rất thực tế, hiệu quả trong công tác thanh, kiểm tra mới mang lại kết quả. Nếu cứ làm theo hành chính thì rất khó khăn.
Dù thay đổi nhưng không thể trái pháp luật được. Rõ ràng, chúng ta phải có phương pháp mới. Bởi thủ đoạn của những kẻ đưa hối lộ, nhận hối lộ tinh vi hơn nhiều để che đậy động cơ”, ông Đạt nhấn mạnh.
Đỗ Thơm