Liên quan đến vấn đề chọn quốc phục, lễ phục nhà nước mà Bộ VHTTDL đang lấy ý kiến rộng rãi, báo chí đã đăng tải nhiều ý kiến tham luận của các chuyên gia về văn hóa, dân tộc... Trong đó nổi lên các ý kiến phân tích về việc không cần thiết phải có quốc phục, lễ phục nhà nước:
GS Ngô Đức Thịnh cho rằng: “Đừng quan tâm quá đến vấn đề quốc phục bởi trên thực tế, không nhất thiết phải có quốc phục, nhiều nước khác cũng đâu có quy định về quốc phục. Trong khi đó, rất nhiều những vấn đề văn hóa khác lẽ ra đáng phải quan tâm thì lại không lo".
"Nước ta đa dạng những sắc màu văn hóa, mỗi dân tộc đều có nét văn hóa độc đáo riêng thể hiện qua những trang phục đa sắc màu, kiểu dáng. Giống như việc chọn quốc hoa, việc đi chọn một cái trong nhiều cái có sẵn là rất khó. Khi chưa tìm được bộ quốc phục hợp lý thì nên cứ từ từ, sao phải vội, bởi không nhất thiết phải cần có ngay. Làm sao để ra được một bộ quốc phục phải điển hình, sang trọng chứ vội vã, làm cho xong, bộ quốc phục mà như phường tuồng là không được".
Theo GS Tô Ngọc Thanh, trang phục truyền thống mặc tại hội nghị APEC 14 rất đẹp
PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp cũng cho rằng, lựa chọn quốc phục sẽ làm mất tính đa dạng của văn hóa 54 dân tộc, thiết kế quốc phục trở thành việc làm kỳ quặc. Đồng thời, ông Tiệp chỉ ra rằng, lễ phục quốc gia chỉ dùng trong các nghi lễ mang tính thiêng, đáp ứng nhu cầu tâm linh hơn đời sống thường nhật mà chỉ cần người phụ trách trực tiếp hành lễ mặc là đủ, như thế mới thiêng còn ai cũng mặc thì tính thiêng mất đi ý nghĩa của nó. Vì thế người tham gia lễ hội hay sự kiện lớn của quốc gia không nhất thiết phải mặc lễ phục.
Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của GS Ngô Đức Thịnh và PGS.TS Nguyễn Văn Tiệp, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, chủ tịch Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam khi trao đổi với PV cho rằng, việc có một bộ quốc phục và lễ phục quốc gia là việc làm rất cần thiết.
“Tôi là người thường xuyên tham gia các cuộc họp, các sự kiện liên quan đến quốc tế như APEC, nhiều lần thấy nhục khi các đại biểu quốc gia khác mặc quốc phục mang đặc trưng văn hóa của nước họ thì mình lại mặc áo veston. Ví như, Indonesia, các tiểu vương quốc Ả rập, Hàn Quốc… họ vẫn mặc trang phục riêng của họ, trong khi nước mình cũng có những trang phục riêng mang bản sắc văn hóa thì mình vẫn phải mặc veston đi họp. Những đại biểu Việt Nam tham dự các sự kiện, hoạt động mang tính chất ngoại giao thì bất kỳ ai cũng sẽ cảm nhận rõ ràng được sự cần thiết của những bộ lễ phục mang tính chất biểu trưng cho cốt cách, tinh thần và văn hóa Việt Nam.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, người tham dự nhiều hội nghị quốc tế, thấy cần thiết phải có bộ lễ phục quốc gia
Nếu nhớ lại hội nghị APEC 14 tổ chức thành công và tốt đẹp ở Việt Nam, trong bức hình chụp chung, tất cả các lãnh đạo các quốc gia là thành viên APEC đều mặc trang phục truyền thống của Việt Nam, họ đều khen rất đẹp”, GS. TSKH Tô Ngọc Thanh khẳng định.
GS.TSKH Tô Ngọc Thanh cũng chia sẻ: “Tôi vừa phải đi may một bộ áo dài khăn đóng để mặc khi tham dự các cuộc họp có tính chất quốc tế. Quốc phục đơn giản là cái mà cổ nhân vẫn mặc trong ngày lễ, đối với nam giới là áo dài khăn đóng. Khi chưa có quốc phục, lễ phục thì tôi vẫn may áo dài khăn đóng, khi nào chọn được một bộ quốc phục, lễ phục thì tôi sẽ mặc bộ đó.
Việc chọn một bộ quốc phục, lễ phục ở nước ta có nhiều cái khó do vấn đề năm người mười ý, nhưng việc chọn quốc phục, lễ phục là rất cần thiết và cần được thực hiện sớm”.
Theo Kiến thức