Bộ trưởng bộ Nội vụ hứa bỏ “hàng rào” bằng cấp đối với công chức, viên chức
Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội, Bộ trưởng bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời các câu hỏi liên quan đến giáo viên, và quy định về “hàng rào” bằng cấp, chứng chỉ trong thi tuyển, xét nâng ngạch công chức, viên chức.
Riêng phần giáo viên, Bộ trưởng bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, đã làm việc với bộ Giáo dục và Đào tạo và xin kiến nghị Chính phủ cho thành lập một nghị quyết riêng về biên chế giáo viên.
“Chúng ta không thể lấy biên chế giáo viên để tính biên chế cho các đơn vị sự nghiệp khác được, bởi vì đây là lĩnh vực đặc thù. Giáo viên có thể tăng giảm theo dân số từng vùng, thừa - thiếu cục bộ của từng môn, thừa - thiếu cục bộ của từng vùng. Vì thế, chúng ta phải có quy định biên chế đối với từng vùng”, ông Tân cho hay.
Trả lời về vấn đề, thi xét tuyển, xem xét nâng ngạch công chức, viên chức hiện nay qua dư luận báo chí phản ánh, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng nhìn nhận thấy “rất phiền hà”.
“Quy trình bổ nhiệm phải cần tới bảy bằng cấp tiêu chuẩn, điều kiện, tôi thấy nhiều quá. Quy định này không phải bộ Nội vụ tự đặt mà do từ năm 1993, tôi nghĩ là hai mươi mấy năm rồi phải sửa”, ông Tân thừa nhận.
Xem thêm: Bộ trưởng bộ Nội vụ hứa bỏ “hàng rào” bằng cấp đối với công chức, viên chức
Kỷ luật 46 đảng viên có con được nâng điểm ở Sơn La
Uỷ ban kiểm tra tỉnh Sơn La mới đây đã có quyết định thi hành kỷ luật 46 đảng viên là cha, mẹ của thí sinh được nâng điểm trái quy định trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại địa phương.
Trong đó, cách tất cả các chức vụ trong đảng đối với 1 đảng viên lợi dụng vị trí công tác nhờ xem điểm cho con và một số người khác trước khi có thông báo điểm công khai; cảnh cáo 12 đảng viên nhờ xem điểm cho con trước khi có thông báo điểm công khai; khiển trách 32 đảng viên, vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ đảng viên về tự phê bình, trách nhiệm tuyên truyền và nêu gương theo quy định của Đảng; phê bình nghiêm khắc 1 đảng viên.
Trong thời gian tới, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Sơn La sẽ chỉ đạo các tổ chức đảng cấp dưới xem xét xử lý trách nhiệm đối với các trường hợp không phải là đảng viên có vi phạm liên quan đến gian lận thi cử trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Sơn La.
Xem thêm: 46 đảng viên có con được nâng điểm ở Sơn La đã bị xử lý ra sao?
Xác suất thống kê cho học sinh lớp 2 có đáng sợ hay không?
Vừa qua, khi các tác giả biên soạn chương trình môn Toán - chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho biết, xác suất, thống kê là những nội dung mới trong chương trình Toán sẽ triển khai tới đây, sẽ xuất hiện từ lớp 2 đến hết các bậc học phổ thông, tùy theo mức độ khác nhau thì không ít phụ huynh hoang mang vì chương trình học của con.
ThS. Trần Đức Thuận, Phó Trưởng khoa Giáo dục Tiểu học, trường đại học Sư phạm TP.Hồ Chí Minh giải thích “Có lẽ, nỗi ám ảnh môn học Xác suất - Thống kê ở bậc đại học khiến rất nhiều sinh viên lo lắng vì có quá nhiều công thức, quá nhiều bảng biểu phải nhớ để có thể tính được các loại xác suất có điều kiện và thực hành các loại thống kê suy diễn để kiểm chứng giả thuyết, phân tích tương quan, hồi quy, dự đoán... đã khiến nhiều người e ngại việc xuất hiện mạch kiến thức Xác suất - Thống kê ở tiểu học trong Chương trình môn Toán năm 2018”.
Thực chất, học sinh tiểu học chỉ làm quen với Thống kê mô tả thông qua việc kiểm đếm, chẳng hạn, đếm xem trong lớp có bao nhiêu cái bàn, cái ghế, đếm xem mỗi tổ có bao nhiêu bạn; và đọc hiểu được thông tin từ biểu đồ tranh, biểu đồ cột, biểu đồ quạt đơn giản. về Xác suất, học sinh tiểu học chỉ làm quen với một vài thuật ngữ như “có thể”, “không thể”, “chắc chắn”.
Xem thêm: Xác suất thống kê cho học sinh lớp 2: Mức độ làm quen, không “đáng sợ”!
Bá Di