Chân dung tân Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội
Trong phiên làm việc chiều 25/11, Quốc hội đã tiến hành họp phiên toàn thể tại hội trường. Trong đó ĐBQH đã bỏ phiếu đồng ý bầu ông Hoàng Thanh Tùng làm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Ông Hoàng Thanh Tùng, sinh năm 1966; quê quán: xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; trình độ: Đại học Luật.
Ông là đại biểu Quốc hội khóa XIII, XIV, trước khi được bầu làm Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, ông giữ chức Phó Tổng thư ký của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.
Trước đó, hôm 22/11, Quốc hội cũng đã bỏ phiếu thông qua việc miễn nhiệm chức Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đối với ông Nguyễn Khắc Định. Ông Nguyễn Khắc Định được Bộ chính trị phân công giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, nhiệm kỳ 2015 -2020 vào trung tuần tháng 10/2019 vừa qua.
Xem thêm:Chân dung tân Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng
Phó chủ tịch TP.HCM yêu cầu làm rõ các uẩn khúc vụ cô giáo đánh học sinh bị camera ghi hình
Ngày 25/11, ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM ký đề nghị UBND quận Tân Phú, TP.HCM nhanh chóng thực hiện giải quyết tố cáo, kết luận tố cáo và thông báo kết quả xử lý của bà N.H.H với bà Đỗ Thị Sửu, Hiệu trưởng trường tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP.HCM).
Liên quan vụ cô giáo N.H.H đánh học sinh, được phụ huynh đặt camera quay lén trong lớp học, khiến dư luận bức xúc. Từ đó, UBND quận Tân Phú kỷ luật cô giáo bằng cách quyết định cho cô N.H.H nghỉ việc.
Không đồng tình với quyết định này, cô giáo H. đã gửi đơn cứu xét tới các cơ quan chức năng, báo chí truyền thông từ trung ương đến địa phương. UBND TP.HCM đã nhận đơn và chỉ đạo làm rõ.
Cô H. cho rằng, các động tác cô đánh liên tục học sinh được cắt ghép, chỉnh sửa rồi được tung lên mạng gây bức xúc dư luận. Nữ giáo viên đề nghị cơ quan chức năng điều tra làm rõ vụ việc, nhất là cô hiệu trưởng nhà trường có trù dập giáo viên hay không?
Khi mà cô H. chính là người tố cáo hiệu trưởng có nhiều sai phạm, đã được Thanh tra quận Tân Phú kết luận có nhiều sai phạm. Và đến nay chưa được xử lý. Ngoài ra, việc hiệu trưởng sai phạm, trong thời gian chờ xử lý, nhưng lại ký quyết định cho cô H. thôi việc.
Theo tìm hiểu của PV báo Người Đưa Tin, thông tin mới nhất là vị phụ huynh đặt camera quay lén không có con học trường tiểu học Phan Chu Trinh.
Xem thêm: Vụ cô giáo đánh học sinh bị camera ghi hình: TP.HCM đề nghị UBND quận Tân Phú làm rõ
Bộ Giao thông xin gia hạn tiến độ thu phí tự động không dừng
Bộ Giao GTVT vừa kiến nghị Chính phủ gia hạn tiến độ dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 và các trạm của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sang năm 2020.
Bộ GTVT cho biết, đối với dự án ETC giai đoạn 1 có tổng số 44 trạm, bao gồm 26 trạm trên Quốc lộ 1, đường HCM qua Tây Nguyên và 18 trạm trên các tuyến cao tốc và các quốc lộ khác được bổ sung vào dự án.
Đến nay đã lắp đặt vận hành 25 trong số 26 trạm trên Quốc lộ 1, đường HCM qua Tây Nguyên và 13 trạm trên các tuyến quốc lộ khác. Riêng 5 tuyến đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) quản lý chỉ có 1 tuyến cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình đang lắp đặt thiết bị ETC tại 15 làn thu phí, dự kiến vận hành trong năm 2019.
Riêng 4 tuyến còn lại chưa thể triển khai, do vướng mắc về nguồn vốn đầu tư hệ thống ETC khi hiệp định vay vốn các dự án đã hết thời hạn. Do vậy, 4 tuyến cao tốc này không thể hoàn thành ETC trong năm 2019 theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Xem thêm:Bộ Giao thông xin gia hạn tiến độ thu phí tự động không dừng
Bá Di (T/h)