Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo xử lý vụ bắn pháo sáng trên sân Hàng Đẫy
Tối 11/9, tại Hà Nội, trong trận đấu bù vòng 22 V-League 2019, từ khán đài B, khu vực dành cho cổ động viên Nam Định, một quả pháo sáng được bắn thẳng sang bên phía khán đài A đối diện và trúng vào chân của CĐV nữ. Theo tìm hiểu, nữ CĐV bị thương là chị Tô Huyền Anh (SN 1985) bị thương nặng ở đùi, đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội).
Liên quan đến vụ việc, văn phòng UBND Hà Nội vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Nguyễn Đức Chung về việc xử lý vụ bắn pháo sáng trên sân Hàng Đẫy hôm 11/9 khiến lực lượng an ninh và cổ động viên bị thương.
Theo đó, để làm rõ trách nhiệm, xử lý những người liên quan, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật (làm rõ trách nhiệm những cá nhân có liên quan đến công tác bảo vệ), báo cáo UBND TP theo quy định.
Xem thêm: Chủ tịch Hà Nội chỉ đạo xử lý nghiêm việc bắn pháo sáng ở SVĐ Hàng Đẫy
Hà Nội đề xuất sáp nhập 4 phường khu vực nội thành
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ về phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã phường.
Kết quả rà soát đối với cấp xã cho thấy, có 12 phường xã (trên tổng số 584 phường xã) phải sắp xếp (6 phường, 6 xã). Lý do các xã phường này phải sắp xếp được UBND TP Hà Nội nêu rõ là do cả 2 tiêu chí về diện tích tự nhiên, quy mô dân số đều dưới 50% so với quy định.
Cụ thể, UBND TP Hà Nội cho biết, với cấp phường không đạt 2 tiêu chí kể trên ở quận Hoàn Kiếm có 2 phường (Hàng Bạc, Hàng Đào), quận Hai Bà Trưng có 4 phường (Nguyễn Du, Bùi Thị Xuân, Ngô Thì Nhậm, Phạm Đình Hổ); cấp huyện ở Phúc Thọ có 3 xã (Cẩm Đình, Phương Độ, Vân Hà), Mỹ Đức có 1 xã (Mỹ Thành), Thanh Oai 1 xã (Kim An), Phú Xuyên có 1 xã (Thụy Phú).
Qua rà soát trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, UBND TP Hà Nội đưa ra phương án sáp nhập phường Nguyễn Du với phường Bùi Thị Xuân và một phần diện tích đất tự nhiên và dân số của phường Ngô Thì Nhậm (mặt phố Huế từ số nhà 52 đến số nhà 214).
Cũng trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội còn sáp nhập phần diện tích tự nhiên và dân số còn lại của phường Ngô Thì Nhậm (từ mặt phố Huế từ số nhà 52 đến số nhà 214) với phường Phạm Đình Hổ.
Xem thêm: Hà Nội đề xuất sáp nhập 4 phường khu vực nội thành
Thực hiện ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can
Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phê duyệt Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
Theo lộ trình thực hiện Đề án, năm 2019 hoàn thành Đề án tổng thể và triển khai đầu tư đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can.
Kể từ ngày 1/1/2020 thực hiện thống nhất ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.
Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước đảm bảo và được sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Xem thêm: Từ 1/1/2020 thực hiện ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can
Việt Nam có 2 trường đại học lọt top 1.000 trường uy tín thế giới
Tạp chí Times Higher Education (THE) vừa công bố bảng xếp hạng các trường đại học uy tín trên thế giới mới nhất. Trong đó, Việt Nam có 2 trường đại học lọt top 1.000 trường uy tín nhất thế giới.
Trong bảng xếp hạng các trường uy tín thế giới của THE công bố, đại học Quốc gia Hà Nội và đại học Bách khoa Hà Nội đều nằm trong top 1.000.
Cũng theo bảng xếp hạng, lần đầu tiên Việt Nam có 3 cơ sở giáo dục đại học được THE công bố thứ hạng cùng với gần 1.400 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu thế giới.
Trong đó, đại học Quốc gia Hà Nội và đại học Bách khoa Hà Nội cùng nằm trong nhóm 801-1000; tiếp theo là đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh trong nhóm 1000+.
Xem thêm: Việt Nam có 2 trường đại học lọt top 1.000 trường uy tín thế giới
Bá Di (Tổng hợp)