Có hay không sự tiếp tay của cán bộ khi để địa ốc Alibaba lừa đảo nhiều năm
Trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, nhiều đại biểu bức xúc, truy trách nhiệm của chính quyền địa phương trong công tác quản lý, điều hành, điển hình trong vụ việc Địa ốc Alibaba lừa đảo hàng nghìn người trong nhiều năm liền.
ĐBQH Dương Trung Quốc đặt câu hỏi: “Vụ Alibaba lừa dân bán bất động sản ảo, diễn ra nhiều năm, số nạn nhân lên đến hàng nghìn, số thiệt hại rất lớn, mà bộ máy chính quyền cơ sở vẫn ngơ ngác thúc thủ như chưa hề có chuyện gì nghiêm trọng cho đến khi người dân và dư luận lên tiếng”.
“Đây là một trong những điểm tối đang làm xấu đi bức tranh sáng sủa của những thành tựu tích cực mà Chính phủ cùng người dân dày công phấn đấu” - đại biểu Dương Trung Quốc bức xúc.
Trước đó, trong phiên thảo luận tại hội trường hôm 30/10, ĐBQH Nguyễn Thanh Hiền (đoàn Nghệ An) cũng bày tỏ lo ngại về bất cập trong thực thi chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan công quyền.
Xem thêm: Địa ốc Alibaba lừa đảo nhiều năm ròng, có sự tiếp tay của cán bộ?
Truy tìm 10 người mất tích trên biển trong vụ chìm tàu ở cảng Sơn Dương
Chiều 31/10, ông Trương Minh Tuấn, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hà Tĩnh cho biết, một vụ chìm tàu vừa xảy ra trên cảng Sơn Dương đóng trên địa bàn thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Đơn vị đang huy động nhân lực để tìm kiếm, cứu hộ những nạn nhân gặp nạn.
Trước đó, vào khoảng 11h30 cùng ngày, tàu Thành Công 999 chở bột đá từ Thanh Hóa vào cảng Sơn Dương (thuộc công ty TNHH Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh). Khi tàu về cách cảng Sơn Dương 3 hải lý thì bị chìm. 11 thuyền viên trên tàu và 1 hành khách đã rời tàu và bị mất liên lạc.
Đến khoảng 15h15 cùng ngày, lực lượng cảnh sát biển tại Cảng Hòn La đã phát hiện, cứu hộ 2 thuyền viên đang bám vào bên phải bè là Trần Quang Hải (SN 1987, quê Hà Tĩnh) và Vũ Văn Tuyên (SN 1989, quê Nam Định).
Xem thêm: Chìm tàu ở cảng Sơn Dương, 10 người mất tích trên biển
Sở GD&ĐT yêu cầu xác minh vụ thầy giáo nhắn tin “gạ tình” học trò cũ ở Thái Bình
Ngày 31/10, trao đổi với PV, ông Nguyễn Viết Hiển – Giám đốc sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình cho biết, sở này vừa mới nhận được báo cáo từ phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Phụ về vụ việc liên quan đến thầy giáo Bùi Khắc Q., giáo viên trường Tiểu học và THCS Quỳnh Trang (huyện Quỳnh Phụ). Giám đốc Sở đã giao cho phòng Thanh tra sở xác minh làm rõ.
Theo ông Hiển, nếu sự việc liên quan đến thầy giáo Q. đúng như những nghi vấn mà báo chí nêu thì trước tiên phòng GD&ĐT huyện Quỳnh Phụ, đơn vị quản lý trực tiếp giáo viên này phải làm việc với ban giám hiệu nhà trường nơi thầy Q. đang công tác từ đó đưa ra hình thức xử lý kỷ luật.
Nếu phòng xử lý không thỏa đáng, trên cơ sở tham mưu đề xuất của phòng Thanh tra, Sở sẽ có ý kiến chỉ đạo. Đây là một vụ việc vi phạm nghiêm trọng đến đạo đức nhà giáo làm ảnh hưởng đến ngành giáo dục nói chung và giáo dục Thái Bình nói riêng.
Kẽ hở nào giúp doanh nghiệp dễ trục lợi từ khu du lịch tâm linh?
Thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã khai thác kinh doanh du lịch dưới vỏ bọc “tôn giáo” để trục lợi, hút khách. Mới đây nhất chính là vụ xẻ núi làm khu du lịch tâm linh gần cột cờ Lũng Cú Hà Giang.
Trước vấn đề này, PGS.TS Phạm Ngọc Trung cho rằng nhiều doanh nghiệp đang cố tình lợi dụng và gắn hai từ “tâm linh” để mở khu du lịch nhằm trục lợi. Để xảy ra điều này một phần do kẽ hở trong việc quản lý đất đai.
“Theo tôi tìm hiểu thì không chỉ có Hà Giang đang xây dựng khu du lịch tâm linh mà ngay cả chùa Ba Vàng tại Quảng Ninh hay Tam Chúc ở Hà Nam. Tất cả những cái tên mỹ miều như khu du lịch tâm linh là họ đang đánh tráo khái niệm. Các doanh nghiệp này đang nấp dưới chiêu bài tâm linh để thực hiện các ý đồ về kinh tế mà chủ yếu đất đai.
Giải thích về nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, TS Trung chỉ ra: “Có thể nhận thấy, về mặt đất đai nhà nước ta quản lý rất chặt, khi làm bất kỳ việc gì cũng phải xin ý kiến chỉ đạo nếu muốn chuyển đổi mục đích. Thế nhưng, điều này chỉ đúng với những người làm mục đích kinh tế như làm nhà cửa, mở quán xá kinh doanh buôn bán.
Ngược lại, mảng tâm linh thì lại để lỏng, chính việc quản lý đất đai cho vấn đề xây dựng tâm linh chưa được chặt cho nên đây là kẽ hở để không ít người lợi dụng để chiếm đoạt đất bằng nhiều cách như mở khu du lịch gắn với tâm linh. Sau đó họ biến hóa thành một thị trường kinh doanh kiếm tiền chứ không còn là vấn đề tâm linh như trước đây.
Xem thêm: Kẽ hở nào giúp doanh nghiệp dễ trục lợi từ khu du lịch tâm linh?
Bá Di (T/h)