Hà Nội ra hạn chót giải tán các quán cafe đường tàu
UBND TP.Hà Nội đã chỉ đạo các quận, huyện kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, bàn giao để phối hợp quản lý các lối đi tự mở qua đường sắt trên địa bàn và xử lý nghiêm vi phạm an toàn đường sắt trước ngày 12/10.
Trước đó, bộ GTVT đã có văn bản gửi UBND TP.Hà Nội và các đơn vị liên quan đề nghị khẩn trương giải tán các tụ điểm chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt chạy qua các quận nội thành Hà Nội.
Theo bộ GTVT, 9 tháng đầu năm 2019, tình hình vi phạm trật tự, ATGT đường sắt trên địa bàn TP.Hà Nội diễn biến phức tạp. Để chấn chỉnh tình trạng này, tăng cường các biện pháp phòng ngừa TNGT đường sắt, bộ GTVT đề nghị UBND TP.Hà Nội chỉ đạo các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về đường sắt đến người dân.
Khi làm thủ tục cấp đất cho doanh nghiệp và người dân, cần tính đến phương án đảm bảo ATGT đường sắt khi đưa vào khai thác theo quy định của pháp luật. Khi quy hoạch các khu dân cư cần lưu ý để không vi phạm đến hành lang ATGT đường sắt.
Xem thêm: Hà Nội ra hạn chót giải tán các quán cafe đường tàu
Bộ VH,TT&DL nói về công trình sai phạm ở Mã Pì Lèng
Ngày 8/10, tại cuộc Họp báo thường kỳ Quý III-2019 của bộ VH,TT&DL, ông Nguyễn Thái Bình, Chánh văn phòng, người phát ngôn bộ VH,TT&DL đã đưa ra quan điểm về công trình trên đỉnh Mã Pì Lèng.
Theo ông Bình, hiện tại, bộ VH,TT&DL chưa nhận được bất kỳ một ý kiến nào về việc thẩm định công trình, vị trí tòa nhà được xác định nằm ngoài khoanh vùng khu vực 2 của danh thắng quốc gia. Với trách nhiệm của mình, cục Di sản hôm nay (ngày 8/10) đã lên đường để kiểm tra công trình ở đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang). Quan điểm của Bộ là công trình nếu có sai phạm, thì chúng tôi sẽ có biện pháp bảo vệ di sản quốc gia.
Với câu hỏi: Mới đây, bà chủ của khách sạn ở đèo Mã Pí Lèng cho biết, nếu phá bỏ khách sạn thì sẽ nhảy xuống sông Nho Quế, vậy quan điểm của Bộ về việc này thế nào? Ông Nguyễn Thái Bình cho hay: "Theo tôi là không nên mang tính mệnh của mình ra để tạo áp lực với luật pháp, khi sai thì nhận thức sai để khắc phục, sửa chữa. Đã là doanh nghiệp, làm việc theo cơ chế thị trường, được ăn thua chịu, không có việc thua chịu rồi bắt xã hội gánh được".
Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu làm rõ vụ xe sang gắn với biển đẹp
Liên quan đến bất thường việc cấp biển số đẹp cho xe sang ở Huế, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế thông tin, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn đề nghị Công an tỉnh khẩn trương xác minh, làm rõ phản ánh của báo chí, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/10/2019.
Như trước đó đã đưa tin, liên quan đến việc cấp biển số 75A-135.35 ở Thừa Thiên-Huế, cũng như việc nhiều chiếc xe sang thường gắn với biển “khủng” đã khiến người dân không khỏi băn khoăn về sự minh bạch trong việc cấp biển ở đây.
Xem thêm: Bất thường xe sang gắn với biển đẹp ở Huế: Chủ tịch tỉnh đề nghị làm rõ
Giáo viên hợp đồng Sóc Sơn tiếp tục gửi kiến nghị xét đặc cách
Mới đây, giáo viên hợp đồng Sóc Sơn tiếp tục gửi đơn lên UBND TP.Hà Nội và bộ GD&ĐT và sở Nội vụ Hà Nội, đề nghị xem xét “nới lỏng” điều kiện xét đặc cách, vì nếu phải thi như những giáo viên mới ra trường ứng tuyển là bất bình đẳng, phi thực tế.
Trước đó, rà soát theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.Hà Nội về việc xem xét tuyển dụng đặc biệt với giáo viên hợp đồng bằng hình thức xét tuyển, sở Nội vụ Hà Nội khẳng định không có giáo viên nào trong diện này đủ điều kiện xét đặc cách.
Bộ Chính trị, bộ Nội vụ, UBND TP.Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo, nhưng vấn đề này vẫn đi vào “ngõ cụt”.
Mặc dù đã có hướng mở xét đặc cách cho số giáo viên hợp đồng đáp ứng 4 điều kiện: Có ít nhất 5 năm công tác ở vị trí làm việc; yêu cầu trình độ đào tạo đại học trở lên tại vị trí việc làm cần tuyển dụng; đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; người ký hợp đồng theo đúng quy định pháp luật làm công tác chuyên môn nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên, chi đầu tư và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên hoặc đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.
Chiếu theo điều kiện này, UBND TP.Hà Nội trả lời đơn “kêu cứu” của gần 3.000 giáo viên hợp đồng liên tục trong suốt nhiều tháng qua: không ai có đủ điều kiện để xét đặc cách, chẳng khác nào “gáo nước lạnh” dội tắt ngấm hy vọng của những giáo viên này.
Bá Di (T/h)