Vụ gian lận điểm thi THPT 2018: Khai trừ khỏi Đảng 08 cán bộ tỉnh Sơn La
Ngày 28/5, Ban Thường vụ tỉnh ủy Sơn La họp, xem xét và quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Trần Xuân Yến bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng.
Trước đó, ngày 27/5/2019, Ủy ban Kiểm tra tỉnh Sơn La đã họp kỳ họp thứ 15, do đồng chí Hoàng Quốc Khánh – Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy chủ trì.
Tại kỳ họp, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy đã xem xét hình thức xử lý kỷ luật đối với 8 đảng viên bị khởi tố do có sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tỉnh Sơn La.
8 bị can gồm: Ông Phạm Xuân Yến, Phó Giám đốc sở GD&ĐT, ông Lò Văn Huynh (Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng của Sở), bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Phó Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng), bà Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng Khảo thí và quản lý chất lượng), bà Cầm Thị Bun Sọn (Phó Trưởng phòng Chính trị - tư tưởng của Sở), ông Đặng Văn Thủy (Phó Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, TP Sơn La), ông Đỗ Khắc Hưng (nguyên Trung tá, phòng An ninh chính trị nội bộ - Công an tỉnh Sơn La).
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Sơn La cho biết, nội dung vi phạm của 8 đảng viên nêu trên là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ”, vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm Quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm, vi phạm là rất nghiêm trọng.
Theo đó, ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng với 7 bị can, gồm ông Lò Văn Huynh, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, bà Nguyễn Thị Hồng Nga, bà Cầm Thị Bun Sọn, ông Đặng Văn Thủy, ông Đỗ Khắc Hưng.
Riêng ông Trần Xuân Yến, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh uỷ đề nghị Ban Thường vụ xem xét, thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng.
Truy tố Hưng "kính" cùng đồng phạm trong vụ bảo kê chợ Long Biên
Viện KSND TP.Hà Nội vừa hoàn tất bản cáo trạng truy tố Hưng "kính" cùng đồng phạm trong vụ bảo kê chợ Long Biên về tội Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170, khoản 1, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo đó, 5 bị can bị khởi tố gồm: Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng “kính” SN 1963, trú tại phố Hàng Đậu, phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội; Tổ trưởng tổ Bốc dỡ hàng hóa số 2 chợ Long Biên).
Ngoài ra, 4 thành viên trong tổ Bốc dỡ hàng hóa số 2 bị khởi tố gồm: Nguyễn Hữu Tiến (tức Tiến “hói” SN 1970, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Lê Thanh Hải (tức Hải “gió” SN 1963, trú tại phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội), Nguyễn Mạnh Long (tức Long “cao” SN 1962, trú tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội), Dương Quốc Vương (tức Vương “lợn” SN 1968, trú tại phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Các bị can trên bị Viện KSND TP.Hà Nội truy tố về tội danh Cưỡng đoạt tài sản quy định tại Điều 170, khoản 1, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Như đã phản ánh, phóng sự điều tra với tiêu đề “Phức tạp hoạt động bảo kê tại chợ Long Biên” của Đài truyền hình Việt Nam được phát sóng đã lật tẩy việc các đối tượng trên "móc túi" bà con tiểu thương tại chợ Long Biên. Theo đó, để tồn tại buôn bán ở chợ Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội), bà con tiểu thương sẽ phải đóng tiền bãi (tiền “bảo kê”).
Chợ Long Biên có khoảng 1.000 hộ kinh doanh với gần 300 hộ thường xuyên cần chỗ đỗ xe. Mức vé niêm yết cho các lượt xe vào để trả hàng/đóng hàng mà BQL chợ Long Biên được phép thu là từ 15-60 nghìn đồng/lượt.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người tố cáo, mức thu này gấp 10 lần và bị nhóm bảo kê tiếp tục thu thêm số tiền cao hơn nhiều lần nữa.
Xe tải chợ lợn nhiễm dịch tả lợn Châu Phi đàng hoàng đi từ Bắc Ninh đến Quảng Nam
Sáng nay (28/5), Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh Quảng Nam cho biết, đơn vị đã phối hợp với Cục quản lý thị trường Quảng Nam phát hiện một xe tải chở lợn dương tính với dịch tả lợn châu Phi.
Theo đó, vào 9h50, ngày 27/5, nhận được tin báo của người dân phát hiện một chiếc xe tải BKS: 76C - 060.68 do Phạm Minh Vỹ (36 tuổi, trú xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) làm tài xế vận chuyển lợn thịt, đang dừng đỗ tại cửa hàng xăng dầu Kỳ Lý (thuộc xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam), lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường kiểm tra.
Tại thời điểm kiểm tra, Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, vận chuyển ra khỏi tỉnh đã hết giá trị; Số lượng theo giấy kiểm dịch tại nơi kiểm dịch gốc là 150 con lợn thịt nhưng tại nơi phát hiện kiểm tra chỉ còn 39 con lợn (trong đó 5 con đã chết có triệu chứng lâm sàng của bệnh dịch tả lợn Châu Phi);…
Ngay sau đó, đoàn kiểm tra đã lập biên bản, tạm giữ phương tiện trên và lấy 3/3 mẫu lợn chết để gửi đi xét nghiệm. Đến chiều cùng ngày, ông Nguyễn Thành Nam, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Quảng Nam cho biết, 3 mẫu phẩm lấy từ xe chở lợn trên mang đi xét nghiệm đều dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Lực lượng chức năng đã mang toàn bộ số heo trên đem đi tiêu hủy và phun hóa chất tiêu độc khử trùng chiếc xe.
Tài xế Vỹ khai được thuê chở lợn từ xã Nghĩa Đạo (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) cho một lò mổ ở xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi) tiêu thụ nhưng chủ không nghe máy nên dừng ở Quảng Nam bán.
Điều đáng nói, từ tháng 3/2019, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên tuyến quốc lộ 1 nhằm phục vụ công tác phòng chống bệnh dịch, trong đó chốt ở phía bắc được đặt tại thị xã Điện Bàn và chốt phía nam đặt tại huyện Núi Thành.
Thế nhưng chiếc xe chở lợn nhiễm dịch này vẫn lọt qua được chốt.
Trung Quốc miễn thuế nhập khẩu cho 33 mặt hàng thủy hải sản Việt
Trung Quốc vừa chính thức thông báo với cơ quan chức năng Việt Nam về danh sách 33 mặt hàng thủy hải sản được miễn thuế khi nhập khẩu vào nước này. Đây đều là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như: Tôm hùm, tôm sú, tôm biển, cá tuyết, nghêu, cá tra đông lạnh, cá basa, cá nục gai, cá ngừ đại dương, cá basa, bạch tuộc....
Việc Trung Quốc giảm thuế nhập khẩu cho hàng hóa Việt Nam được cho là để chuẩn bị nguồn cung thực phẩm protein thay thế cho thịt heo do nguồn cung thịt heo của Trung Quốc đang bị sụt giảm nghiêm trọng vì dịch bệnh, trong khi đó nguồn thịt nhập cũng có vấn đề vì chiến tranh thương mại với Mỹ. Đây chính là động thái để nước này chuẩn bị ứng phó với nhu cầu thị trường sắp tới.
Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới. Trong cơ cấu tiêu thụ thịt của người Trung Quốc thịt lợn chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên hiện dịch tả lợn châu Phi đang hoành hành tại đây đã gây thiệt hại gần 1/5 tổng đàn và tình hình vẫn chưa được kiểm soát.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I/2019, Việt Nam xuất khẩu 466,1 triệu USD sản phẩm cá tra, tăng 8,8% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, với 107 triệu USD. Châu Âu đứng thứ 2 với con số tăng trưởng 62,5% so với cùng kỳ, trong khi Mỹ lùi lại vị trí thứ 3.
Sang tháng 4, Việt Nam xuất khẩu 143,8 triệu USD các sản phẩm cá tra, giảm 18,1% so với cùng kỳ. Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch đạt 42,9 triệu USD, giảm nhẹ 5,9% về giá trị so với tháng 4/2018, chủ yếu do mặt bằng chung giá bán cá tra giảm. Theo sau là thị trường châu Âu, ASEAN.
Hiện có hơn 150 doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất khẩu thủy sản sang thị trường Trung Quốc, trong đó có khoảng 45 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá basa, gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu tôm và một số doanh nghiệp hải sản.
Với việc Trung Quốc nới lỏng chính sách nhập khẩu, thủy, hải sản Việt Nam đang rộng đường tiến vào thị trường đông dân nhất thế giới.
H.Y (tổng hợp)