Sau vụ Gateway, hàng loạt trường gỡ mác “quốc tế”
Trong buổi họp báo ngày 7/8, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy Phạm Ngọc Anh khẳng định trên địa bàn quận không có trường nào là “quốc tế”.
"Tên trường tiểu học quốc tế Gateway là cách mà trường tự đặt để thu hút thêm học sinh", ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Ngay sau tuyên bố này, rất nhiều trường “quốc tế” đã vội vàng bỏ cụm từ “quốc tế” trên bảng hiệu nhà trường và trên website.
Trưa 17/8, bảng tên trên cổng trường Gateway vẫn được giữ như cũ: Gateway International School.
Một số trường ở Hà Nội cũng đã vội vàng bỏ chữ "quốc tế" trên bảng tên nhà trường. Như trường Mầm Non Montessori, trường Quốc tế Việt - Hàn Montessori (tòa nhà Hyundai Hillstate, số 5 Tô Hiệu, Hà Đông), trường Mầm non Quốc tế IQ và Tiểu học Quốc tế IQ (số 55, Lê Lai, Hà Đông, Hà Nội), trường Alaska (địa chỉ số 25 đường Thọ Tháp, Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy), trường Global (khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy).
Xem thêm:Gateway và nhiều trường ở Hà Nội vội vàng gỡ mác "quốc tế"
Đình chỉ hoạt động trung tâm bán trú có học sinh bị bỏ quên cả ngày
Lãnh đạo Phòng GD&ĐT thị xã Bến Cát, Bình Dương cho biết đã đình chỉ hoạt động đối với cơ sở giữ trẻ để quên bé trai 7 tuổi trong trường.
Cơ sở bị đình chỉ có tên là Trung tâm bán trú tiểu học Diễm Phúc. Sau khi làm việc, đoàn kiểm tra của Phòng GD&ĐT thị xã Bến Cát phối hợp với UBND phường Tân Định yêu cầu từ 16/8 đến 19/8, cơ sở này phải trả các học sinh về gia đình và tháo dỡ bảng hiệu.
Theo biên bản kiểm tra, dù không có giấy phép hoạt động nhưng cơ sở vẫn treo bảng hiệu và nhận giữ học sinh từ ngày 13/5/2019 đến nay.
Trung tâm bán trú tiểu học Diễm Phúc nhận giữ tổng cộng 24 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 với mức phí 1,2 triệu đồng một tháng. Cơ sở này có hai phòng học, hệ thống điện không đảm bảo an toàn, không có sổ theo dõi thông tin học sinh, không có giáo viên. Nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn không có nguồn gốc rõ ràng.
Xem thêm: Học sinh bị bỏ quên cả ngày ở trường: Đình chỉ hoạt động trung tâm bán trú
3 công ty “Tranh nhau” làm sạch sông Tô Lịch
Mới đây công ty Thoát nước Hà Nội đề xuất việc xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng việc dẫn nước sông Hồng với kinh phí 150 tỷ đồng. Như vậy, cùng lúc đang có tới 3 đơn vị muốn được làm sạch dòng sông này - điều chưa từng có trong lịch sử.
GS.TS. Trần Thanh Sơn, Trưởng khoa Kỹ thuật Hạ tầng và Môi trường đô thị, kiêm Trưởng bộ môn Thoát nước (Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho biết: “Theo tôi đánh giá, việc xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano Nhật Bản không mấy khả thi, giải pháp duy nhất chính là thực hiện đúng quy hoạch thoát nước của Hà Nội từ những năm 1990 mà chính do Nhật Bản giúp Việt Nam thực hiện từ nguồn vốn ODA, bây giờ đã là giai đoạn 2 chính là xây dựng cống bao, nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270m3/ ngày đêm”.
Xem thêm: “Tranh nhau” làm sạch sông Tô Lịch: Thời cơ vàng tái sinh dòng sông "chết"
Phó hiệu trưởng lộ “ảnh nóng” trên email nhà trường
Ngày 17/8, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh Văn phòng sở Giáo dục và Đào tạo TP.Cần Thơ cho biết, Sở đã nắm được thông tin vụ việc. Một số giáo viên và ông T.Q.Tr., Phó Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Thạnh Thắng của huyện Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ cũng có gửi đơn liên quan đến vụ lộ “ảnh nóng”.
Theo Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo TP.Cần Thơ, đây chỉ mới là thông tin một chiều nên Sở chưa có nhận định nào. Sở đã có kế hoạch lập đoàn kiểm tra thực tế, đang chờ ký quyết định và chọn thời điểm thích hợp để tiến hành kiểm tra.
Theo tường trình của ông Tr., ông có vài tấm ảnh "nhạy cảm" được chụp trong phòng tắm của gia đình. Những tấm ảnh này, sau khi chụp xong ông Tr. đã xoá trên điện thoại, nhưng được đồng bộ trên Google ảnh email của nhà trường.
Sau khi xảy ra sự việc, Công an huyện Vĩnh Thạnh, đại diện sở Giáo dục và Đào tạo cũng mời ông Tr. làm việc, nhưng đến nay chưa có kết luận sau cùng.
Xem thêm: Phó hiệu trưởng lộ “ảnh nóng” trên email nhà trường: Sở GD&ĐT lập đoàn kiểm tra
Bá Di (Tổng hợp)