Nhật Cường không phải đơn vị độc quyền cung cấp phần mềm
Trước thông tin dư luận về việc công ty Nhật Cường (công ty vừa bị kết luận là buôn lậu, sai phạm tài chính) đang cung cấp độc quyền phần mềm dịch vụ công cho hà Nội, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Ngọc Kỳ vừa bác thông tin này.
Báo cáo tại phiên họp giao ban công tác UBND TP.Hà Nội tháng 5 sáng nay (30/5), Giám đốc Sở TT&TT Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết, Nhật Cường chỉ là 1 trong 63 đơn vị tham gia dịch vụ này cho UBND TP và các sở, ngành. Trong 3 năm qua, TP.Hà Nội mới chi trả cho Nhật Cường 7,2 tỷ đồng kinh phí thuê phần mềm.
Cũng tại buổi giao ban, báo Vietnamnet ghi nhận, lãnh đạo sở TT&TT Nguyễn Ngọc Kỳ cho biết TP đã chi trả kinh phí thuê phần mềm cho công ty Nhật Cường trong 3 năm qua hơn 7,2 tỷ đồng, chiếm 0,49% trên tổng chi ngân sách của TP cho CNTT.
Ngoài ra, Nhật Cường thực hiện 7 gói thầu mua sắm, tổng kinh phí là 12,34 tỷ đồng, chiếm 0,84% kinh phí CNTT (chiếm 1,23% kinh phí mua sắm, sửa chữa trang thiết bị CNTT).
Thực hư thông tin cụ bà 71 tuổi ở Yên Bái mang thai
Thông tin một cụ bà 71 tuổi ở Yên Bái đi khám bảo hiểm y tế thì tá hoả phát hiện có thai gây xôn xao dư luận, phóng viên Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi tìm hiểu kỹ về thông tin này.
Cụ thể, ngày 8/5, cụ bà Ngô Th. Q. (71 tuổi, trú tại phường Nguyễn Thái Học, TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái), số thẻ bảo hiểm GD4151520043xxx-151xx đến trung tâm Y tế TP. Yên Bái khám bệnh thì được chẩn đoán có thai.
Cụ thể, Bác sĩ, Trưởng khoa Trần Thị K. C. là người trực tiếp khám và kê đơn cho bà Q, đã chẩn đoán: Bệnh tăng huyết áp vô căn (nguyên phát); Tăng lipid máu hỗn hợp; Đái tháo đường tăng lên khi có thai.
Khi cầm đơn thuốc, con cái cụ Q. bàng hoàng khi trong kết luận là mẹ mình đã lớn tuổi nhưng lại được chẩn đoán có thai.
Để tìm hiểu rõ thông tin vụ việc, phóng viên Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Trung tâm y tế TP. Yên Bái. Qua đó, một cán bộ trung tâm cho biết, đây chỉ là sự cố trong quá trình bác sỹ sao chép kết quả, trong quá trình sử dụng máy tính. Tuyệt đối không có chuyện cụ bà mang thai.
“Ngay sau nhận được phản ánh, Trung tâm cũng đã cho kiểm tra lại và đưa lại kết quả, giải thích cho gia đình hiểu rõ”, vị cán bộ cho biết thêm.
Nhiều học sinh ở quận Hoàng Mai (Hà Nội) phải mua vở nhân đạo giá đắt
Kết thúc năm học 2018-2019, chị N.P.H - một phụ huynh có con học lớp 1 tại một trường tiểu học thuộc quận Hoàng Mai (Hà Nội) nhận được thông báo từ sổ liên lạc điện tử của lớp về việc phải mua 3 cuốn vở nhân đạo với giá 8.000 đồng/quyển.
Thông báo có dòng: "Mỗi học sinh phải mua 3 quyển vở ủng hộ hội chữ thập đỏ là 24.000 đồng/3 quyển".
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, chị H cho biết vì số tiền 24.000 đồng cũng nhỏ nên chị không để tâm lắm đến thông báo nói trên, nghĩ đó là hoạt động xã hội của trường kiểu như thu gom giấy vụn làm kế hoạch nhỏ cũng không có ý kiến gì. Tuy nhiên, chị cũng hơi thắc mắc vì là hoạt động "ủng hộ" mà thông báo lại ghi rõ là "phải mua" thì nghe hơi khiên cưỡng.
Sau đó, một số phụ huynh khác của lớp cũng có trao đổi với nhau về việc vở nhân đạo giá đắt gần gấp đôi giá thị trường mà chất lượng lại kém hơn. Cụ thể, chất lượng giấy đen hơn, dòng kẻ mờ hơn các loại vở thường ngày các con vẫn viết.
Trong khi đó, tham khảo giá vở ô ly 48 trang của các hãng sản xuất nổi tiếng như Hồng Hà, Hải Tiến đang bán trên các trang bán hàng trực tuyến sendo, lazada... thì giá bán lẻ 10 cuốn vở ô ly 48 trang chỉ khoảng 45.000 đến 50.000 đồng.
Được biết, việc các trường trên địa bàn quận Hoàng Mai tổ chức bán vở nhân đạo cho học sinh là để thực hiện chỉ đạo từ Phòng Giáo dục Đào tạo quận Hoàng Mai. Cụ thể, ngày 20/3/2019, Hội Chữ thập đỏ quận Hoàng Mai và Phòng Giáo dục Đào tạo quận Hoàng Mai đã có công văn gửi tới các trường tiểu học, THCS trên địa bàn quận Hoàng Mai về việc phát hành vở học sinh xây dựng quỹ nhân đạo năm học 2018 – 2019.
Công văn này nêu rõ: Để thực hiện tốt kế hoạch phối hợp liên ngành trong công tác nhân đạo giữa Hội Chữ thập đỏ và Phòng Giáo dục Đào tạo quận Hoàng Mai phát động năm học 2018 – 2019, mỗi em học sinh hãy dành tiền tham gia mua ủng hộ 3 quyển vở viết để góp phần ủng hộ vào quỹ nhân đạo trong hệ thống Chữ thập đỏ của Quận.
Từ công văn theo kiểu “giao chỉ tiêu” này, các trường đã tiến hành cho học sinh đăng ký mua vở và các phụ huynh cũng không có lựa chọn nào khác.
Được biết, Công ty TNHH một thành viên in và nghiên cứu thị trường Việt Cường (Công ty Việt Cường) đang cung ứng vở kẻ ngang in số lượng 1.000 cuốn, 72 trang kích thước 25×35, giấy Bãi Bằng, định lượng 60gm, độ trắng 92ios; vở ô li 48 trang cũng in 1.000 cuốn, kích thước 24×34, giấy bãi bằng, định lượng 100gm, độ trắng 92iso cho chương trình kể trên.
Điều đáng nói, cũng lấy đúng thông số loại vở trên, trong vai một đơn vị cần in ấn 5.000 cuốn vở, PV báo Dân Việt đã liên hệ Công ty Việt Cường thì nhận được báo giá chỉ 3.700 đồng/ quyển, bằng khoảng 40% giá chính công ty Việt Cường đang cung ứng cho quận Hoàng Mai.
Không rõ vì sao lại có sự chênh lệch khó hiểu này và số tiền chênh lệch này đang rơi vào túi ai?
TP.HCM: Xe buýt vẫn “hét giá” quảng cáo sau 4 lần thất bại
Xe buýt tại TP.HCM đang tiếp tục tổ chức đấu giá quảng cáo lần thứ 5 sau nhiều lần thất bại. Nhiều chuyên gia nhận định, nếu mức giá đưa ra vẫn quá cao như hiện nay thì mục tiêu giảm gánh nặng ngân sách cho xe buýt vẫn bế tắc.
Cụ thể, mới đây, trung tâm Quản lý giao thông công cộng (sở Giao thông Vận tải TP.HCM) đã tiến hành ký hợp đồng đấu giá cho thuê quảng cáo trên xe buýt với trung tâm Đấu giá TP (sở Tư pháp TP.HCM). Đây là lần tổ chức đấu giá quảng cáo thứ 5 sau nhiều lần thất bại trước đó. Trung tâm đã nghiên cứu và đưa ra nhiều phương án để tiếp cận các nhà đầu tư, các hãng tham gia vào thị trường quảng cáo này.
Trong đợt đấu thầu quảng cáo trên xe buýt lần năm này, các gói quảng cáo sẽ chia nhỏ thành 71 gói đấu giá trên cơ sở 72 tuyến xe buýt có trợ giá với tổng số phương tiện là 1.152 xe. Giá trị từng gói có thời gian thực hiện hợp đồng cũng linh hoạt hơn như 6 tháng, 1 năm, 2 năm và 3 năm.
Ông Lê Hà Ân, Phó Giám đốc trung tâm Giao thông công cộng cho biết, dự kiến giá trị gói thầu lần này thấp nhất là khoảng 550 triệu đồng/tuyến/năm, cao nhất là 5 tỷ đồng/tuyến/năm.
Lãnh đạo trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho hay phiên đấu giá lần này đã đưa ra nhiều phương án mới, các gói quảng cáo được chia nhỏ hơn, tiệm cận với nhu cầu của các nhà đầu tư theo đúng xu hướng của thị trường. Nếu đấu giá thành công sẽ giúp TP.HCM thu về 63 tỷ đồng cho hợp đồng 6 tháng, 126 tỷ đồng cho hợp đồng 1 năm, 252 tỷ đồng cho hợp đồng 2 năm và 378 tỷ đồng cho hợp đồng 3 năm.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia vẫn cho rằng, mức giá ban đầu mà trung tâm Giao thông công cộng đưa ra vẫn cao hơn thị trường nên không có nhiều sức hút.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Trần Hùng, Chủ tịch hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nói: “Nguyên nhân quảng cáo trên xe buýt tại TP.HCM không thu hút các doanh nghiệp là do giá đấu thầu quá cao. Chính vì thế, các tỉnh, thành khác trên cả nước đều tiến hành cho thuê quảng cáo trên xe buýt thành công, duy chỉ có TP.HCM là chậm hơn”.
Đại diện hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nhận định, để thu hút các doanh nghiệp tham gia quảng cáo thì ngành giao thông cần giao quyền quyết định lựa chọn đối tác quảng cáo cho các doanh nghiệp vận tải, hợp tác xã xe buýt… Đồng thời, TP.HCM cần xem xét lại giá khởi điểm đấu thầu quảng cáo cho phù hợp, tránh tình trạng bỏ không gây lãng phí cho nguồn ngân sách Nhà nước.
H.Y (tổng hợp)