Đen: Không thể tin nổi, Hội chợ tại Cung Thiếu nhi Hà Nội lại bán những cái bánh hình nhạy cảm.
Đá: Báo chí lên tiếng, bạn đọc bức xúc. Nhưng có người lại bảo, chỉ là chiếc bánh “ấn tượng”.
Đen: Chưa thấy “ấn tượng” ở đâu. Phát hoảng khi nhìn những hình thù ấy.
Đá: Kể ra cũng khó coi khi bọn trẻ con vô tư thưởng thức những chiếc bánh đặc biệt. Người lớn thì thích thú chỉ trỏ.
Đen: Không thể vì lợi nhuận mà bỏ qua dư luận. Đấy cũng là văn hóa ẩm thực.
Đá: Có lẽ nhà sản xuất bánh phô mai xúc xích có hình bộ phận sinh dục nam cũng phải “nghiên cứu thị trường”, nắm bắt tâm lý người tiêu dùng.
Đen: Để cho ra sản phẩm ai nhìn cũng phải đỏ mặt ư?
Đá: Các nước trên thế giới người ta cũng làm cả rồi. Mình chỉ đi sau, có gì đâu mà trách cứ nhiều thế.
Đen: Ông biết 1 mà chẳng biết 10. Tại Nhật có lễ hội, Hàn Quốc có công viên tình dục nhưng chỉ dành cho người lớn, tuyệt đối cấm trẻ em!
Đá: Đã bảo ta đi sau mà. Hôm trước, mấy cái tượng khỏa thân tại Hòn Dáu cũng um cả lên. Bao giờ người Việt mới “lột xác” được?
Đen: Không ai cấm tư duy nghệ thuật, vì nó đa dạng, phong phú và trừu tượng. Nhưng cái gì cũng phải có quy chuẩn.
Đá: Biết rồi. Nghĩa là phải đúng nơi, chuẩn đối tượng.
Đen: Tượng khỏa thân, bánh hình nhạy cảm không xấu, không có lỗi. Vấn đề người ta phơi ra ở đâu và thiếu những quy định.
Đá: Không nên trầm trọng hóa vấn đề. Giờ bọn trẻ xem mạng hàng ngày, lạ gì.
Đen: Phim ảnh còn cấm dành cho trẻ em dưới bao nhiêu tuổi. Giờ bày bán bánh phản cảm tại cung Thiếu nhi, giải thích sao?
Đá: Theo tôi, nên cho các em tiếp cận dần. Cũng là cách giáo dục giới tính.
Đen: Hai chuyện khác nhau. Cái người ta lịch sự che đi thì lại bày ra, bán cho trẻ ăn. Tôi phản đối.
Đá: Đánh vào sự tò mò của người mua. Mục đích của họ là bán càng nhiều càng tốt.
Đen: Cơ quan quản lý phải can thiệp, không thể tùy tiện bày bán cho trẻ em những mặt hàng như vậy.
Đ.Đ