Tối 7/7, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM, Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu thông tin rõ cho người dân về việc cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, tính đến ngày 7/7, TP.HCM đã có 127/237 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động do có liên quan ca mắc Covid-19. Trong đó, 3/3 chợ đầu mối gồm chợ Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn cũng phải tạm đóng cửa.
Việc 3 chợ đầu mối và hàng trăm chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động ít nhiều ảnh hưởng đến việc mua lương thực, thực phẩm của người dân. Tuy nhiên, TP.HCM đã dự phòng phương án để chuỗi cung ứng hàng hóa của TP vẫn được liên tục, bảo đảm không thiếu nhu yếu phẩm cần thiết cho người dân TP.
Cụ thể, các hệ thống phân phối lớn, chủ lực như Saigon Co.op, Satra, Bách Hóa Xanh,…tăng lượng dự trữ, tăng năng lực bán hàng lên 120.000 tấn/tháng. Chỉ riêng hệ thống dự trữ hàng hóa của Saigon Co.op đã lên tới 26.000 tấn/tháng.
3 chợ đầu mối của TP phải ngưng hoạt động để phòng chống dịch bệnh, thành phố đã dành 3 vùng đệm tại huyện Củ Chi, TP Thủ Đức, quận Bình Chánh để tập kết hàng hóa, thực phẩm từ các tỉnh chuyển về. Tại đây, hàng hóa và phương tiện sẽ được cơ quan chức năng khử khuẩn, sau đó có các phương án bố trí, trung chuyển hàng hóa về các chợ truyền thống.
Các thương nhân, tiểu thương được tổ chức tiếp nhận hàng hóa thông qua các điểm trung chuyển, trung bình một ngày đêm tiếp nhận khoảng 4.000 - 5.000 tấn rau củ quả, thực phẩm tươi sống.
Và dù nhiều chợ truyền thống phải dừng, nhưng hiện tại vẫn còn hàng ngàn điểm bán hàng thiết yếu cho người dân, gồm 106 siêu thị, 124 chợ truyền thống, trên 2.000 siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi và hơn 28.000 điểm bán nhỏ lẻ tại các địa phương.
Các hệ thống phân phối lớn như siêu thị sẽ được gia tăng bán hàng trực tuyến, người dân có thể đặt hàng trực tuyến thông qua điện thoại di động. Trường hợp người dân có hoàn cảnh khó khăn, không sử dụng được điện thoại để đặt hàng , TP sẽ có phương án tổ chức các điểm bán bổ trợ, đi chợ thay cho những người này.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cũng khẳng định thành phố không lo thiếu thực phẩm. Người dân không nên vì tâm lý tích trữ mà tập trung đi siêu thị quá đông, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch.
Hiện các doanh nghiệp bình ổn và một số đơn vị của thành phố đã dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với điều kiện bình thường, ở mức hơn 120.000 tấn hàng. Trong khi đó, nhu cầu thực tế hàng ngày chỉ khoảng 5.000-6.000 tấn/ngày.
Giám đốc sở Công thương TP.HCM cũng cho biết tiếp tục xem xét để các chợ truyền thông trước phải tạm dừng có thể hoạt động trở lại (ít nhất là việc bán các mặt hàng thiết yếu) nếu đảm bảo phòng chống dịch bệnh.
Ngoài ra, Sở Công Thương yêu cầu các siêu thị kéo dài thời gian hoạt động đảm bảo thời gian mua sắm của người dân. Các quận, huyện cũng đã họp thống nhất bổ trợ kênh bán hàng online, đi chợ thay cho người già nhờ lực lượng hội phụ nữ, hội thanh niên của địa phương.