Chiều 22/4, Công an thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đang vào cuộc điều tra vụ một nhóm đối tượng có hành vi hủy hoại tài sản khi đốt cháy toàn bộ số rơm khô của công ty TNHH Đoàn Kết Phú Quý thu mua từ nông dân gây thiệt hại lớn.
Trước đó, doanh nghiệp tại xã Quảng Hải, TX.Ba Đồn đã gửi đơn tố cáo một nhóm người ở xã Quảng Tân, TX.Ba Đồn, hành xử theo kiểu "xã hội đen" khi đòi tiền bảo kê thu mua rơm không được, đã đốt cháy 950 cuộn rơm mà công ty Đoàn Kết Phú Quý thu mua của người dân tại ruộng.
Theo đơn tố cáo của công ty Đoàn Kết Phú Quý, vào ngày 19/4, 35 công nhân của công ty tiến hành thu gom rơm khô mua của người dân địa phương tại cánh đồng ở xã Quảng Tân. Đến khoảng 14h40 cùng ngày, công nhân của Công ty này đã thu gom được 950 cuộn rơm và đang chờ xe chở về thì có 4 đối tượng người địa phương trú tại thôn Tân Đức, xã Quảng Tân tìm đến.
Ông Đoàn Anh Sơn, Giám đốc Công ty Đoàn Kết Phú Quý cho biết: “Một trong 4 đối tượng có tên Phan Anh Dũng đã hỏi công nhân: “Ai cho tụi bây thu gom rơm ở đây? Rơm ở đây là của tao!”. Nghe nói vậy, phía công nhân trả lời: “Có gì phía Công ty sẽ đến trao đổi với anh, còn số rơm này chúng tôi đưa về đã”. Tuy nhiên, đối tượng tên Dũng không đồng ý.
Tiếp đó, Dũng và 3 đối tượng khác đã đốt cháy hết 950 cuộn rơm, đồng thời yêu cầu phải đóng tiền bảo kê 1 triệu đồng với mỗi máy làm rơm và xe tải chở rơm”.
Được biết, tại cánh đồng lúc đó, công ty Đoàn kết Phú Quý có 4 máy làm rơm và 3 xe tải đang đợi để chở rơm.
Cũng theo đơn tố cáo của công ty Đoàn kết Phú Quý, hành vi của nhóm người trên đã hủy hoại toàn bộ 950 cuộn rơm, cùng công sức thu hoạch của 35 công nhân lao động trong ngày với tổng số tiền thiệt hại là 86,6 triệu đồng.
Đặc biệt, việc đốt cháy toàn bộ rơm mà công nhân của Công ty đã thu gom được đã làm lửa cháy lan sang thiêu rụi thêm 3 thửa ruộng chưa thu hoạch của người dân địa phương.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Phạm Quốc Lành, Chủ tịch UBND xã Quảng Tân cho biết, hiện địa phương vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin hay phản ánh nào của Công ty Đoàn Kết Phú Quý.
“Ruộng là ruộng của người dân, trước đây vào mùa vụ họ (PV – Công ty) có trao đổi với chính quyền hoặc thông qua từng thôn về việc thu gom rơm; nhưng năm nay phía địa phương không đồng tình, vì các thôn phản ánh lên để dân tự khai thác phế liệu cải tạo đồng ruộng nên không yêu cầu các đơn vị về thu gom. Vì vậy, khi đơn vị này đến đề nghị thu gom rơm, phía địa phương đã yêu cầu họ nếu có nhu cầu thì liên hệ với từng người dân chứ chính quyền không can thiệp. Sau đó, họ đã đưa máy móc về. Còn việc họ thu gom rơm của người dân và bị nhóm người nào đốt rơm thì chúng tôi chưa nghe nói và cũng chưa nhận được phản ánh của Công ty”, ông Lành khẳng định.