Trong khi cả hệ thống chính trị, mọi người dân đang làm hết trách nhiệm phòng, chống sự lây lan của đại dịch Covid-19, thì ở đâu đó vẫn xuất hiện một số trường hợp chống đối, trốn tránh việc cách ly. Điều này, khiến những nỗ lực trước đó của nhiều người đang ngày đêm oằn mình chống dịch có nguy cơ “đổ xuống sông xuống bể”.
Như vừa qua, chỉ vì 600.000 đồng/ hành khách, một tài xế xe kéo ở Huế bằng các thủ đoạn tinh vi đã bất chấp đưa 6 người từ vùng dịch Đà Nẵng vượt qua các chốt kiểm soát dịch bệnh ở Huế về địa phương trót lọt nhằm trốn cách ly tập trung. Sự việc nhanh chóng được cơ quan công an tỉnh Thừa Thiên-Huế phanh phui và chắc chắn án phạt sẽ không hề nhẹ đối với gã tài xế cùng 6 người coi nhẹ sức khoẻ cộng đồng, sức khoẻ của chính người thân của mình.
Từ hành vi trốn cách ly này, các chuyên gia pháp lý cho rằng việc không tuân thủ cách ly không chỉ gây thiệt hại về thời gian, công sức, tiền bạc mà còn có nguy cơ là tác nhân khiến dịch bùng phát trở lại.
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, Luật sư Quách Thành Lực, giám đốc công ty Luật TNHH LSX (đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Người có hành vi từ chối, trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 176/2013/NĐ-CP. Ngoài ra, theo khoản 3 Điều 10 của Nghị định, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo đúng quy định của pháp luật.
Trong trường hợp người đã bị mắc bệnh truyền nhiễm mà vẫn cố tình trốn khỏi nơi cách ly, lây bệnh cho người khác thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật hình sự 2015 về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người khác với mức phạt từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 đến 5 năm.
Ngoài ra, theo một số vị luật sư chiếu theo quy định của pháp luật, tùy theo mức độ vi phạm mà người không tuân thủ các quy định cách ly sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong đó, mức phạt với hành vi vi phạm quy định về cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định 117/2020/NĐ-CP được quy định như sau:
“2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Không tổ chức cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu…”
Như vậy, nếu cá nhân không tuân thủ cách ly Covid-19 theo các quy định trên thì có thể bị phạt hành chính đến 20 triệu đồng.
Phạt tù đến 12 năm nếu không tuân thủ cách ly
Tại Điều 1 Công văn 45/TANDTC-PC nêu rõ:
“Người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 và xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người:
a) Trốn khỏi nơi cách ly;
b) Không tuân thủ quy định về cách ly;
c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;
d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối".
Như vậy, việc không tuân thủ quy định cách ly là một trong những hành vi làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015.
Cụ thể, mức phạt áp dụng cho người không tuân thủ cách ly theo quy định của Điều 240 là phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù từ 01 - 05 năm.
Tuy nhiên, người phạm tội còn có thể bị áp dụng các khung hình phạt tăng nặng khác tại Điều 240 như:
- Phạt tù từ 05 - 10 năm khi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc làm chết 01 người.
- Phạt tù từ 10 - 12 năm khi dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hoặc làm chết 02 người trở lên.
Như vậy, người không tuân thủ quy định cách ly Covid-19 có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, phạt tù đến 12 năm.
Ngoài ra, tại khoản 4, Điều 240 quy định, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.
Như vậy, trước thực trạng dịch bệnh đang có những diễn biến phức tạp, những người đến từ vùng dịch có nguy cơ mắc bệnh là rất cao. Nên việc thực hiện các biện pháp cách ly là để theo dõi sức khoẻ người dân, bảo vệ cộng đồng. Để hạn chế tình trạng người dân bỏ trốn khỏi khu cách ly hoặc tự ý ra ngoài, các chuyên gia pháp lý cho rằng cơ quan có thẩm quyền tại khu vực cách ly cần ứng biến mềm dẻo, linh hoạt tuyên truyền để người dân hiểu. Đồng thời, mỗi người dân cần có ý thức tuân thủ nghiêm các quy định của cơ quan y tế, thể hiện trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng.
Thanh Lam