Không vay tiền qua app nhưng vẫn bị làm phiền, làm sao để "thoát nạn"?

Không vay tiền qua app nhưng vẫn bị làm phiền, làm sao để "thoát nạn"?

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 3, 17/11/2020 11:25

Dịch vụ cho vay qua app trên điện thoại với lãi suất "cắt cổ" và thủ đoạn đòi nợ còn tàn khốc hơn cả tín dụng đen, thậm chí người không vay cũng bị liên lụy.

Thời gian gầy đây, tình trạng vay tiền qua app trên mạng diễn ra rất phổ biến. Các tổ chức, cá nhân cho vay tiền đã lợi dụng tính nhanh, gọn của Internet để thu hút người dân vay tiền với lãi suất lên tới hơn 300%, thậm chí có người vay phải trả lãi lên tới 1000%.

Theo tìm hiểu của PV, với dịch vụ này, người vay chỉ cần gửi ảnh chụp khuôn mặt, chứng minh nhân dân, cung cấp số tài khoản ngân hàng. Điều đáng bàn, khi làm thủ tục vay tiền qua app, thông thường các app này yêu cầu người vay phải cho phép app truy cập danh bạ điện thoại. Sau 10 phút tiền sẽ được chuyển vào tài khoản của người vay. Theo đó, những người đứng ẩn sau các ứng dụng này sẽ có được toàn bộ số điện thoại, Facebook của người thân, của đồng nghiệp và của bạn bè người vay để sử dụng cho các mục đích sau này- đòi nợ bằng cách “khủng bố” tinh thần bằng tin nhắn, cuộc gọi với lời lẽ thô tục… 

Trong tình tình huống người vay không trả nợ đúng hạn thì chủ sở hữu app sẽ gọi điện quấy rầy người thân, nhằm tạo sức ép buộc người vay phải trả nợ. Đó cũng chính là nguồn cơn mà nhiều người không vay tiền cũng bị làm phiền. 

Pháp luật - Không vay tiền qua app nhưng vẫn bị làm phiền, làm sao để 'thoát nạn'?

Ảnh minh họa.

Chia sẻ với PV, chị Thu Hằng (Hoàng Mai) cho hay: “Chị dâu của tôi vay tiền qua app. Thời gian gần đây, tôi liên tục phải nghe những cuộc điện thoại của người tự xưng bên app vay tiền với nội dung yêu cầu thúc giục chị dâu tôi phải trả nợ. Tôi đã nói không hề liên quan nhưng bên app vẫn “khủng bố” bằng nhiều số điện thoại khác nhau khiến tôi vô cùng bức xúc vì bị quấy rầy”.

Trước vấn nạn bị “khủng bố” tin nhắn đòi nợ liên tục khi không vay tiền, thậm chí bị bôi nhọ trên mạng xã hội…, dư luận đặc biệt quan tâm liệu có hình thức nào để “thoát” khỏi tình cảnh này và app đòi nợ kiểu “tìm diệt” có bị xử lý?

Liên quan đến vấn đề này, trên cổng thông tin điện tử, bộ Công an đã có trả lời các vướng mắc của người dân về việc vay tiền qua app. Bộ Công an khẳng định ứng dụng vay tiền trực tuyến (app vay tiền online) thực chất là một ứng dụng cho vay tín chấp. Người đi vay không cần có tài sản đảm bảo và người cho vay thì dựa vào uy tín của người đi vay về thu nhập và khả năng trả nợ để cho vay. Việc vay tiền qua app rất thuận lợi, nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh các app cho vay tiền chính thống, hoạt động công khai, minh bạch thì hiện nay xuất hiện nhiều app cho vay tiền núp dưới hình thức tín dụng đen, cho vay với lãi suất "cắt cổ".

Do đó, bộ Công an khuyên người dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ… trước khi quyết định vay tiền qua app. Người vay cần phải tìm hiểu, lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ uy tín, thể hiện đầy đủ các thông tin trên website như: Tên công ty, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, các chính sách cụ thể về lãi suất vay (trả nợ trước hạn, chậm trả,…)

Bộ Công an cho biết nếu các đối tượng, tổ chức đứng sau các app cho vay tiền dính tới việc cho vay với lãi suất cao, khủng bố người vay thì có thể bị xử lý về tội Cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự theo Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Về câu hỏi của nhiều bạn đọc, không vay tiền qua app nhưng vẫn bị làm phiền, phải làm sao? Trả lời vấn đề này, LS. Nguyễn Hồng Linh (Hải Phòng) cho biết: “Theo điểm g khoản 3 Điều 102 nghị định 15/2020/NĐ-CP, hành vi sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối người khác sẽ bị phạt từ 10 - 20 triệu đồng”.

Từ căn cứ đó, người bị quấy rối có thể tìm ra thông tin chủ sở hữu của app này, tố cáo hành vi quấy rối qua điện thoại với cơ quan công an. Đồng thời, ghi âm cuộc gọi và khiếu nại lên nhà mạng mà mình là khách hàng hoặc gửi đơn khiếu nại cho sở Thông tin và Truyền thông địa phương để yêu cầu giải quyết.

Riêng trường hợp chủ sở hữu app là công ty tài chính, hiện nay, theo quy định tại thông tư 18/2019/TT-NHNN, các công ty tài chính không được gọi điện cho người thân của khách hàng vay để đôn đốc, thu hồi nợ.

Một chuyên gia pháp lý cho hay, theo điểm a khoản 1 Điều 84 nghị định 15/2020/NĐ-CP, phạt từ 10 - 20 triệu đồng nếu thu thập thông tin cá nhân khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích của việc thu thập và sử dụng thông tin đó; Phạt từ 20 - 30 triệu đồng nếu thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác.

Trong trường hợp người vay tiền qua app bị bôi nhọ, vu khống trên mạng xã hội, người thực hiện hành vi vi phạm cũng bị phạt đến 20 triệu đồng theo điểm a khoản 1 Điều 101 nghị định 15/2020. Nghiêm trọng hơn, có thể bị xử lý về tội Làm nhục người khác hoặc tội Vu khống theo các Điều 155 và Điều 156 của Bộ luật Hình sự 2015.

Như vậy, người bị đăng ảnh trên mạng xã hội hoàn toàn có quyền yêu cầu cá nhân, tổ chức sử dụng hình ảnh của mình gỡ bỏ những hình ảnh đó và tố cáo tới cơ quan công an để xử lý vi phạm theo quy định nêu trên.

N.Giang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.