Kết quả thi đại học - phụ huynh lấy nó làm thước đo ghi nhận cống hiến và tình yêu của mình đối với con cái. Trung tâm luyện thi và thầy giáo lấy nó làm công cụ marketing cho các chương trình luyện thi. Nhà trường cấp 3 lấy nó làm thành tích để thu hút thêm nhiều học sinh cho những năm tới.
Bản thân học sinh coi tấm bằng đại học là thước đo của giá trị, thành đạt của chính mình trong xã hội. Xã hội coi nó là con đường duy nhất để tiến thân và thành công trong cả cuộc đời của mỗi cá nhân.
Các em học sinh thi đỗ đại học tự hào và thở phào đã đền đáp công ơn nuôi dưỡng của gia đình và bố mẹ. Thế còn các bạn không đạt thì sao ?
Bản thân từ “thi trượt" đã chính thức đóng mọi cánh của cho học sinh và gia đình những bạn học sinh thi trượt đại học? Trăm ngàn phụ huynh và học sinh vui nhưng cũng có vài chục ngàn gia đình buồn vì dường như cánh của vào đời đã đóng trước mặt các em học sinh không đạt điểm sàn đại học.
Trạng thái tâm lý chung mà các sĩ tử thường gặp phải khi trượt đại học đó là cảm giác xấu hổ vì tính sĩ diện, bị bạn bè khinh thường, hàng xóm dè bỉu, bố mẹ thất vọng, mất hết hy vọng và luôn bị ám ảnh bởi thất bại.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục: Trượt đại học có thể là nỗi buồn nhưng cũng có thể là điềm may nếu như các bạn học sinh vào học những ngành không đúng sở thích năng lực tại những trường đại học làng nhàng bậc trung trong những ngành xã hội không thật sự cần hoặc dư thừa.
Trên trang cá nhân của mình, thầy Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - thạc sĩ Tâm lý học, giảng viên khoa Tâm lý Giáo dục, ĐH Sư phạm TP HCM đã dùng những từ ngữ đầy cảm thông, chia sẻ với mong muốn động viên những thí sinh đã và đang gặp phải cái cảm giác thất vọng, thậm chí, tuyệt vọng khi trượt đại học.
Báo Nguoiduatin.vn xin trích đăng lại 5 chia sẻ "Tôi trượt đại học" của Thầy giáo Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu
1. Thi rớt, quá nhục?
Hàng năm, lượng thí sinh trượt còn nhiều hơn cả đậu. Cứ nhìn tỉ lệ chọi thì biết.
Chẳng phải một mình mình tôi trượt. Đó là tình hình chung.
Với lại, tôi không sinh ra trên mặt đất này vì sĩ diện.
2. Thi rớt, bạn bè khinh thường, hàng xóm dè bĩu?
Ta không sống vì hàng xóm.
Còn những đứa bạn thay vì động viên lại đi khinh thường người khác thì cũng chẳng đáng để chơi.
3. Thi rớt, cha mẹ sẽ vô cùng thất vọng?
Có thể! Nhưng sự buồn bã của cha mẹ chỉ tạm thời mà thôi.
Cha mẹ đã nuôi tôi 18 năm trời, mớm tôi ăn từng muỗng cơm, tập cho tôi đi từng bước một. Tôi tin: chẳng vì chuyện này mà họ lại vứt bỏ con mình.
4. Thi rớt, mất hết cơ hội?
Ai nói! Trên đời này không chỉ có trường đại học đào tạo con người. Trường đời mới là ngôi trường lớn nhất, thực tế nhất, nhiều cơ hội nhất.
Tôi chẳng cần phải nói, ai cũng biết là cả khối tỉ phú từng trượt đại học đến mấy lần.
Tôi chỉ mất hết cơ hội nếu tôi chán nản ngồi im và tự giam mình. Tôi không thay đổi được quá khứ nên tôi sẽ hành động để thay đổi tương lai!
Tôi tin vào câu nói: “Thành công đến muộn nhưng sẽ ngọt ngào gấp đôi!”
5. Thi rớt, ám ảnh này sẽ không bao giờ buông tha tôi ?
Thực ra tôi không sợ thi rớt. Tôi chỉ sợ cái Tôi của chính mình, sợ niềm Kiêu Hãnh của bản thân.
Tôi sẽ càng thất vọng về mình, người ta sẽ càng khinh thường hơn nếu tôi chỉ biết nằm khóc mà chẳng biết đứng dậy làm cái chi có ích.
Không! Tôi sẽ đứng dậy tìm một con đường để đi. Cuộc đời này đâu phải chỉ có một con đường đại học???
Tôi còn không yêu chính bản thân mình thì ai sẽ yêu mình?
Tôi còn không có niềm hy vọng vào mình thì ai dám hy vọng vào tôi?
Tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy rằng: Trượt đại học nhưng tôi sẽ vẫn có thể nuôi sống bản thân và báo hiếu cha mẹ bằng cách của mình!
Tôi sẽ không vì một lần vấp ngã mà bỏ cả con đường.
Vy Bảo